"Tôi lùi xe, chặt cây để thông đường. Phía dưới chân đèo tiếp tục có cây đổ xuống, nhưng đoàn xe vẫn tiến lên", Nguyễn Thạc Hồng, tài xế trong đoàn xe kéo quặng của công ty vận tải SCM, nhớ lại. Lúc đó là khoảng 16h ngày 3/8, đoàn xe của anh Hồng đi đến đèo Đất thuộc Quốc lộ 8 và đang trên đường hướng về Việt Nam.
Những ngày trước đó, tỉnh Khammoune và Bolikhamsai hứng chịu mưa lớn liên tục. Đến 20h ngày 3/8, trận sạt lở đầu tiên ở tỉnh Khammoune xảy ra, đất đá từ trên núi đổ xuống chắn ngang đường, buộc giới chức huyện Kounkham phải đưa máy đào lên khai tuyến.
Trong khi chờ xe đào thông tuyến, tài xế Lê Thanh Phương, 46 tuổi, tranh thủ chợp mắt trong cabin xe kéo quặng công ty Hoành Sơn bởi cho rằng đây chỉ là sự cố nhỏ. Nhưng anh choàng tỉnh khi những viên đá "to như xô, chậu" bắt đầu đổ xuống cung đường đèo rộng khoảng 10 mét.
Mở cửa xe soi đèn, anh Phương phát hiện bùn đất tràn ngập trên đường, một lạch nước như thác từ trên núi cuồn cuộn chảy xuống.
Linh tính chẳng lành, anh Phương, quê Hà Tĩnh, liên lạc với hai đồng hương phía sau, quay đầu đến một điểm đậu mới cách đó một km. "Đất đá từ trên núi rơi xuống ngày một nhiều, một số tài xế Việt đã phải bỏ xe. Máy đào của giới chức và nhiều phương tiện khác cũng quay đầu bỏ chạy", anh kể lại với VnExpress.
15 phút sau, tiếng động lớn "như bom" nổ ra, đất đá từ trên cao đổ xuống, cuốn trôi loạt phương tiện trên quãng dài 200-250 mét, trong đó nhiều xe kéo quặng của Việt Nam bị cuốn xuống vực. "Nhiều người bỏ xe, tháo chạy trong đêm xuống dốc", anh Hồng, người cũng điều khiển xe quay đầu, nói.
Anh Hồng điều khiển xe chuyển ngược về sau một đoạn, nhưng sạt lở tiếp tục diễn ra lúc 23h. "Đất đá trút xuống cuốn sạch mọi thứ, phương tiện, người và tài sản xuống vực sâu thăm thẳm bên dưới", tài xế Hồng mô tả.
Anh tiếp tục chạy xe ngược về Eo Gió, đúng lúc quả núi ở phía sau sạt xuống, cách xe anh chỉ khoảng 100 mét. Tại nơi anh dừng đỗ, 22 xe Việt Nam cùng 10 xe của Lào, Thái Lan ùn lại dọc quãng 200 mét. Cảm thấy không an toàn, anh Hồng cùng khoảng 20 tài xế Việt bỏ xe, lên một chiếc xe moóc để xin trú nhờ.
Đến 0h30 sáng 4/8, trận sạt lở lớn nhất xảy ra. Ngọn đồi cao khoảng 400 mét sạt xuống, cuốn phăng mọi thứ, dồn 4-5 xe, trong đó có xe của anh Hồng, nén chặt vào nhau.
"Đó là khoảnh khắc khiếp khủng nhất đời tôi. Đất đá mang những thân gỗ khổng lồ 2-3 người ôm lao thẳng xuống. Không còn gì để mất, không còn đường nào để chạy", anh Hồng kể. Anh quỳ xuống cầu đất khấn trời. Chiếc xe moóc chở 20 người Việt may mắn không bị ảnh hưởng.
Quan sát trên xe từ xa, anh Phương thấy nhiều khối đất đá đổ ập xuống gần điểm đỗ trước đó, chia cắt cung đường. Cùng lúc, anh nhận tin đồng nghiệp cũ tên Long đỗ cách mình khoảng 300 mét mất tích, không thể liên lạc. Anh sau đó gọi điện cho công ty báo tin để cứu hộ, đến nay chưa có kết quả.
Khi trời sáng, anh Phương thấy cả đoạn đèo phía sau bị đất đá vùi lấp, cây cối ngổn ngang. Các phương tiện không thể tiếp tục di chuyển theo cả hai chiều, trong đó có xe khách chở hàng chục người.
Nhóm của anh Hồng nghe tin giới chức Lào sẽ triển khai trực thăng và lực lượng đến cứu hộ vào ngày hôm sau, nhưng trước mối nguy hiểm chờ chực, anh cùng một số người bàn cách bỏ xe đi bộ để thoát thân.
Nhưng kế hoạch của nhóm nhanh chóng đổ bể khi đường đèo "nhão như cháo". "Có nơi bùn ngập ngang ngực, ngang cổ, không ai dám đi vì sợ bỏ mạng trong bùn", anh nói.
Ngày hôm đó, mưa nặng hạt không ngớt, nước trên núi kèm đất đá liên tục đổ xuống. Anh Phương cũng thử ra ngoài tìm đường, nhưng nhận thấy bùn đất quá nhiều, anh quyết định "cố thủ" trong xe. "Tôi đánh giá ở ngoài nguy hiểm hơn, bởi nếu sạt lở bất ngờ xảy ra, ở trong xe cơ hội sống sót vẫn cao", anh nói.
Đến đêm 4/8, gió liên tục gầm thét tại đèo Đất, xen kẽ những tiếng động lớn của đất đá từ trên núi đổ xuống. Một số người trên xe khách, xe du lịch đỗ gần đó bắt đầu rời xe, chui xuống nấp dưới gầm xe đầu kéo để trú tránh.
"Đêm đó là sinh nhật con trai, tôi cứ nghĩ chẳng bao giờ được về mừng tuổi mới của thằng bé nữa", anh Phương kể.
Sáng 5/8, nhận thấy bùn lầy đã giảm bớt, Hồng, Phương cùng khoảng 6 tài xế người Việt khác thảo luận, phân tích "đi chưa chắc sống, nhưng ở lại sẽ chết" và càng rời được đèo sớm, cơ hội sống càng cao.
8 tài xế quyết định bỏ xe, vượt qua các điểm sụt lún trên đèo, hướng về phía tỉnh Bolikhamsai. "Xe cộ, hàng hóa bỏ lại hết mà chạy, tiền bạc khi này không còn quan trọng nữa", anh Hồng kể.
Quang cảnh xung quanh tan hoang, một số nơi "nguyên quả đồi ập xuống". Bò qua những mảng đồi sạt lở, có những đoạn phải trèo lên thùng xe tải, xe container, cả nhóm vừa đi vừa cầu trời khấn Phật.
Đá núi đủ hình thù, to như ống cống liên tục lăn xuống. Mọi người phải cố gắng trêu đùa nhau, hát hò để vượt qua nỗi sợ cũng như cơn đói.
Nhóm tài xế đi bộ hơn 7 km, vượt qua khu vực nguy hiểm để đến bản Đá dưới chân đèo. Họ ôm nhau trong tiếng reo lớn: "Sống rồi!".
Giới chức Lào cho biết các vụ sạt lở do mưa lớn trên quốc lộ 8 nối tỉnh Bolikhamsai với tỉnh Hà Tĩnh đã khiến nhiều đoạn trên tuyến độc đạo này tắc nghẽn, nhiều phương tiện mắc kẹt.
Bộ Quốc phòng Lào đã triển khai lực lượng giải cứu 45 người Việt Nam mắc kẹt trên đèo Đất. Giới chức nước này thông báo sẵn sàng giải quyết, hỗ trợ họ đi về Việt Nam bằng đường khác và yêu cầu họ không quay lại địa điểm xe kẹt để lấy hàng hóa vì vẫn có nguy cơ sạt lở.
Cơ quan chức năng Lào xác nhận một xe tải mang biển kiểm soát của Việt Nam bị vùi cùng lái xe, nhưng chưa rõ đó là lái xe người Lào hay người Việt. Sở Công chính Vận tải tỉnh Bolikhamsai ngày 4/8 thông báo đình chỉ lưu thông hai đoạn trên quốc lộ 8 do sạt lở đất, trong đó có đoạn gần giáp với cửa khẩu Cầu Treo của Việt Nam.
Nhóm anh Hồng đang trú tại bản Đá chờ hồi hương, trong khi anh Phương đã được công ty Hoành Sơn đưa về nước.
"10 năm làm nghề, tôi chưa từng rơi vào cảnh này. Đi đâu cũng thấy đất đá rơi, đứng đâu cũng có cảm giác đất dưới chân sắp sụt xuống", anh Phương kể trong căn nhà tại thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh. Về đến nhà, anh ôm vợ con rồi khóc, bởi mấy hôm trước, anh chỉ báo về rằng "bị tắc đường", không dám kể chuyện phải đấu tranh từng giờ để thoát khỏi tử thần.
Đức Trung - Đức Hùng