Tôi, một phụ nữ còn trẻ, sống chưa đủ lâu để biết được thật ra người tốt hay người xấu nhiều hơn. Những gì tôi bắt gặp, có quá nhiều tình huống trớ trêu trong cuộc đời, tôi nghĩ, liệu có phải ở thế giới mà ta đang sống, lòng tốt đã bị đe dọa bởi những kẻ xấu. Hay người ta không dám ban phát lòng tốt chỉ vì sợ bị nghi ngờ.
Tấm lòng của tôi mở rộng hơn khi bản thân được tận hưởng lòng tốt thật sự ở mảnh đất Đà Nẵng. 27 tuổi, tôi chuyển vào Đà Nẵng sinh sống và thường xuyên đi làm bằng GrabCar. Vụ va chạm xe năm 23 tuổi khiến tôi sợ lái xe máy một mình.
Tôi nhớ, một lần quên đặt báo thức nên ngủ dậy muộn, vệ sinh cá nhân xong thì nhờ chồng gọi xe giúp. Trên đường, tôi chỉ mong đường không tắc để không muộn làm. Hôm đó tôi lỉnh kỉnh đồ đạc và rồi vô tình quên túi sách gồm có điện thoại, giấy tờ cá nhân trên xe.
Đến bàn làm việc tôi mới phát hiện mình quên đồ, hỗn độn trong dòng suy nghĩ vì tiếc của, cố gắng tôi cũng nhớ được tên tài xế vừa chở mình là Lê Quang Bảo Lâm, 50 tuổi. Nhưng số điện thoại thì chịu. Đang như người mất hồn, một người bạn đồng nghiệp gọi tôi đến nghe điện thoại của chồng. Anh bảo sẽ đưa túi xách đến công ty cho tôi. Hóa ra, bác tài GrabCar này biết tôi quên đồ đã chủ động gọi lại cho chồng tôi và hẹn anh đến lấy.
Với mong muốn cảm ơn tấm lòng của anh Lâm, vợ chồng tôi có đến nhà chơi và gửi chút quà hậu tạ nhưng anh thẳng thắn từ chối. Và tại đây, tôi biết mình không phải là vị khách đầu tiên được anh trả lại đồ.
Anh Lâm kể, có lần anh đón khách là cô gái trạc 30 tuổi từ sân bay Đà Nẵng. Vốn tính hài hước, anh chủ động gợi chuyện, trò chuyện rôm rả, lúc xuống xe thì chị khách quên túi với nhiều tài liệu như sổ hộ khẩu, ipad... Khi nhận được điện thoại của chị kia gọi lại, anh Lâm kiểm tra ghế sau và vui mừng vì chiếc cặp vẫn còn. Lúc đó đồng hồ đã điểm sang ngày mới.
“Nói chuyện, tôi cảm nhận được người phụ nữ đó là người vui tính nhưng khi gọi điện cho tôi vì phát hiện bản thân quên đồ thì giọng cuống cuồng. Tôi hiểu, họ đang rất lo lắng nên chủ động đi quãng đường hơn 20km để trao lại tận tay”, anh Lâm cho biết.
Nhận được đồ, nữ hành khách dúi vào tay anh 500.000 đồng để cảm ơn nhưng anh quyết chỉ nhận lại số tiền tương đương với một chuyến chở khách.
Cũng có lần, anh Lâm chở một du học sinh Hàn Quốc và cậu ta để quên túi đồ trên xe. Phát hiện ra anh Lâm liền gọi điện cho văn phòng đại diện Grab để họ tìm cách trả lại. “Kinh tế gia đình tôi cũng chật vật, biết chuyện nhiều người bảo tôi sĩ diện khi không nhận phần quà cảm ơn nhưng bản thân chỉ nghĩ giúp được người khác là đã vui rồi”, anh Lâm chia sẻ.
Qua anh Lâm, tôi cũng biết đến anh Hồ Kinh Huy, tài xế của GrabCar được cộng đồng mạng được mệnh danh “tài xế có tâm nhất quả đất”. Huy đã từng tận tay đưa trả người đàn ông nước ngoài 500 USD khi biết ông để quên trên xe mình.
Anh bảo, tìm được đúng hành khách để trả lại đồ đôi lúc không hề dễ. Anh xem lại lịch sử cuộc gọi rồi lần tìm theo facebook mới biết vị khách nước đang làm giảng viên Đại Ngoại Ngữ Đà Nẵng. Lúc nhận được tiền, ông vội rút ví đưa 100 USD để cảm ơn nhưng anh Huy từ chối.
"Từng đăng tin trên facebook để tìm người mất đồ nên tôi cũng nhận được nhiều cuộc điện thoại giả danh để nhận. Vì vậy, tôi quyết định đưa đến tận nơi để tránh trường hợp đưa nhầm", anh Huy giải thích.
Tôi thấy cuộc đời thật đẹp khi nghe anh Huy nói rằng, là một tài xế, anh luôn đặt mình vào hoàn cảnh của người khác và hiểu kiếm được đồng tiền phải bỏ ra không ít công sức. Vì vậy, nhặt được của rơi đem trả lại cho người mất là điều đương nhiên.
Quay trở lại câu chuyện của bản thân, xét về giá trị tài sản tôi để quên không nhiều. Nhưng mất giấy tờ sẽ phải vất vả chạy quanh để làm lại. Tài xế cũng có thể đưa ra điều kiện cho người bị mất, đòi cho mình một khoản thù lao kha khá, nếu họ gian tham. Trường hợp của tôi, nếu anh Lâm ra điều kiện để cho nhận lại đồ, tôi cũng không trách được. Việc làm của anh Lâm khiến tôi dần thay đổi suy nghĩ, hành động.
Tôi bắt đầu học làm điều tốt từ những điều nhỏ nhặt như đi trên đường, gặp người va chạm xe, sẽ dừng lại để hỏi han, giúp đỡ họ khi cần. Lòng tốt đơn giản chỉ là một hành động nhỏ. Đừng mặc định đó là một thứ gì đó to tát lớn lao, khó cho đi hay sẽ bị nghi ngờ. Đôi khi, chỉ là một hành động nhỏ cũng khiến người khác cảm thấy ấm lòng
Đ.N