Chiều 24/9, nữ tài xế lái chiếc Mazda đi trên phố Hà Nội, cứ được vài giây lại khựng lại. Có lúc người này còn xuống xe, ngó nghiêng kiểm tra đuôi ôtô, gây cản trở cho các xe sau. Khó chịu trước cách lái xe của nữ tài xế này, tài xế đi xe Hyundai i10 phía sau vượt lên, tạt đầu chiếc Mazda rồi thắng gấp để cảnh báo.
Tài xế Hyundai i10 hẳn cảm thấy "hả dạ" nhưng hành động lại tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Có thể khiến cả hai xe xảy ra va chạm và gây hệ lụy cho nhiều phương tiện đi sau.
Qua tình huống này, tôi khuyên các bạn đi ôtô hãy biết tự kiềm chế bản thân để có những xử lý sáng suốt trên đường và đảm bảo an toàn cho bạn cũng như “xế” cưng. Hãy là người lái xe thông thái để luôn có những cách xử lý khôn khéo khi tham gia giao thông.
Làm thế nào để kiềm chế sự nóng giận, nhất là đối với những người lái xe? Câu hỏi không khó nhưng cũng không dễ để trả lời. Trước hết, bạn không nên lái xe khi đang bực tức, quá mệt mỏi, hay bị rối trí. Luôn tránh xung đột ngay cả khi bạn thấy mình đúng.
Nếu một tài xế bỗng nổi cơn hung hăng muốn tấn công bạn, đừng cố trả đũa hay dây dưa với anh ta. Tốt nhất là kiềm chế và lặng lẽ rời đi. Luôn tính đến khả năng bạn phải đối đầu không cần thiết với một người thích gây gổ.
Hằng ngày chúng ta gặp rất nhiều cơn ức chế trên đường, nhất là những lúc kẹt xe, khi giao thông trên đường Việt rất hỗn loạn, và không biết bao giờ mới đạt đến mức văn minh. Sự thoải mái, tĩnh tâm là những yếu tố bảo vệ bạn khỏi các phản ứng nóng vội, giúp bạn kiểm soát tinh thần và tránh lo lắng hoặc quá căng thẳng.
Bạn đã gặp những tình huống giao thông ức chế và xử lý như thế nào?
Chia sẻ bài viết tại đây.