Video quay lại sự việc hôm 19/11 cho thấy một người bế thi thể của bé trai Alif Putr trên tay rời khỏi bệnh viện M Djamil, thành phố Padang, tỉnh Tây Sumatera, cùng một đoàn xe ôm mặc áo xanh lá cây.
Trong đạo Hồi, việc chôn cất người chết thường phải diễn ra càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, bệnh viện M Djamil thông báo rằng do gia đình Alif chưa thanh toán viện phí nên họ không thể bàn giao thi thể để chôn cất. Bố của đứa trẻ là một tài xế xe ôm, vì thế, các đồng nghiệp của anh này đã quyết định phải hành động vì "nhân đạo".
"Chúng tôi hành động sau khi biết rằng gia đình không thể đưa con họ về chôn cất vì không đủ tiền trả 25 triệu rupiah (hơn 1.770 USD) viện phí mà họ đang nợ", Wardiansyah, một tài xế, giải thích. "Các nhân viên an ninh đã cố ngăn chúng tôi nhưng rồi họ bỏ cuộc vì chúng tôi quá đông".
Sau khi lan truyền trên mạng xã hội ở Indonesia, video đã làm dấy lên cuộc tranh luận mới về cách đối xử với những người không có khả năng trả viện phí. Trước đây, từng có rất nhiều trường hợp bệnh viện và phòng khám ở Indonesia giữ các bé sơ sinh cho đến khi gia đình thanh toán viện phí.
Chính quyền của Tổng thống Joko Widodo đã triển khai một chương trình chăm sóc sức khỏe toàn diện trên cả nước nhưng kế hoạch này gặp trục trặc về kinh phí và nhiều gia đình nghèo không tham gia được.
Dewi Surya, mẹ của Alif, cho hay gia đình đang làm thủ tục đăng ký chương trình chăm sóc sức khỏe thì Putr đổ bệnh. Bé trai đã được phẫu thuật nhưng tử vong vào sáng 19/11.
"Bệnh viện muốn chúng tôi trả tiền nhưng thủ tục hành chính chưa hoàn tất", cô vừa nói vừa khóc tại lễ tang của con trai. "Các tài xế rất tức giận, vì thế họ đã đưa Alif đi. Alif đã chờ đợi quá lâu trong nhà xác".
Bệnh viện M Djamil sau đó xin lỗi và hứa không để tái diễn việc này. Giám đốc Yusirwan Yusuf cho biết hóa đơn chưa thanh toán đã được hội đồng bệnh viện chi trả và mô tả sự việc là do hiểu lầm.
"Bệnh viện chỉ biết về hoàn cảnh của gia đình khi họ nộp đơn khiếu nại với quan chức của chúng tôi", ông nói. "Chúng tôi là một bệnh viện công và không bao giờ hỏi bệnh nhân rằng họ có tiền điều trị hay không".
Tuy nhiên, ông Yusuf lên án hành động của các tài xế xe ôm, gọi đây là sự liều lĩnh và nguy hiểm.
"Chúng tôi có một quy trình vận hành tiêu chuẩn và nó đã bị họ phá vỡ. Hành động đó là thái quá. Nếu thi thể mang bệnh truyền nhiễm thì sao? Ai sẽ là người chịu trách nhiệm?", ông nói.
Một đại diện cho các tài xế sau đó cũng gửi lời xin lỗi đến ban quản lý bệnh viện. "Thay mặt cho các đồng nghiệp, tôi xin lỗi vì sự việc đã xảy ra và chúng tôi muốn khôi phục uy tín của bệnh viện", tài xế Alfiandri nói.
Anh Ngọc (Theo BBC)