Sau hơn 10 ngày Grab Việt Nam áp dụng mức chiết khấu mới từ 20% lên 23,6%, nhiều tài xế tại TP HCM bức xúc và phản đối gay gắt. Tại một số hội nhóm trên mạng xã hội xuất hiện các lời đề nghị tắt hoặc xoá ứng dụng để đình công.
Anh Huy, tài xế Grabbike khu vực nội thành, cho biết đã tắt ứng dụng cách đây hai ngày và đang kêu gọi thêm đồng nghiệp phản đối chính sách mới. Theo anh Huy, đây là cách phản đối “ôn hoà” nhất mà nhóm này thực hiện bên cạnh việc đặt chuyến đi ảo, mặc đồng phục công ty qua đăng ký chạy cho một ứng dụng khác…

Hàng loạt lái xe Grabbike đình công sau khi bị tăng mức chiết khấu.
“Chiều qua, tôi và nhiều anh em tập trung tại văn phòng công ty đề nghị giải thích nhưng không nhận được câu trả lời thuyết phục. Từ đầu năm ngoái đến nay, chính sách chiết khấu của công ty liên tiếp thay đổi theo hướng bất lợi cho tài xế nên nếu chúng tôi cứ im lặng thì biết đâu chừng sẽ tăng lên 25-30%”, anh Huy nói.
Lý giải về việc áp dụng mức chiết khấu mới từ ngày 1/1, ông Nguyễn Trung Thành – Giám đốc bộ phận GrabBike Việt Nam khẳng định không phải công ty thay đổi chính sách chiết khấu mà mức tăng thêm là thực hiện việc thu, nộp hộ thuế cho tài xế. Cụ thể, ông Thành cho biết, theo hướng dẫn của cơ quan thuế, từ ngày 1/1/2018, Grab kê khai, thu hộ và nộp các nghĩa vụ thuế cho lái xe dựa trên tỷ lệ phần trăm doanh thu các đối tác nhận về. quyết định này được thực hiện đúng hướng dẫn của cơ quan thuế. Theo đó, công ty khấu trừ 4,5% nghĩa vụ thuế (bao gồm thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân) trên 80% doanh thu mà đối tác nhận được, tương đương 3,6%.
Việc kê khai, thu hộ và nộp các nghĩa vụ thuế chỉ áp dụng với những đối tác có doanh thu bắt buộc phải nộp thuế trên 100 triệu đồng một năm. Đối với các khoản phí hỗ trợ dành cho đối tác căn cứ theo thành tích số chuyến xe hoặc doanh thu, công ty sẽ khấu trừ 1% và 10% với các khoản phí hỗ trợ khác.
Tuy nhiên, trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Nam Bình, Phó Cục trưởng Cục thuế TP HCM cho biết số tài xế Grabbike ở TP HCM có doanh thu (tính theo năm) trên 100 triệu đồng rất ít. Về nguyên tắc, những người có doanh thu ít hơn 100 triệu (doanh thu tạm tính theo tháng là 8,3 triệu đồng) không phải nộp thuế.
"Việc thu thuế hộ và nộp hộ giữa Công ty Grab với các tài xế là thoả thuận riêng của hai bên", ông Bình nói.
Bản thân Grab Việt Nam cũng giải thích thêm, khoản tiền thuế mà các đối tác tài xế phải đóng sẽ tạm trừ trong ví cho tới ngày cuối tháng. Nếu tài xế có mức doanh thu và khoản hỗ trợ đạt mức 8,3 triệu đồng mỗi tháng, Grab mới tiến hành thu và nộp ngân sách nhà nước. Còn ngược lại, tài xế sẽ được hoàn trả lại dưới tiền thuế đã tạm thu vào ngày 10 của tháng tiếp theo.
Dẫu vậy, theo các tài xế, thu nhập của họ bị ảnh hưởng rất nhiều với mức chiết khấu hiện tại, một số cho biết có thể quay về công việc trước đây.
Anh Bình, tài xế Grabbike ở quận Bình Thạnh, cho biết ứng dụng này từng cam kết mức chiết khấu 10% trong những ngày đầu vào thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, không lâu sau thì phá vỡ cam kết để tăng lên 15%, 20% và như mức hiện tại. Tỷ lệ chiết khấu chỉ tăng vài phần trăm, nhưng quy đổi doanh thu thì mỗi tháng bình quân một tài xế cũng mất vài trăm đến một triệu đồng.
“Doanh thu một ngày của tôi, với điều kiện mở ứng dụng xuyên suốt và không từ chối bất kỳ chuyến đi ngắn dài, khoảng 400.000 đồng. Áp dụng mức chiết khấu mới thì tiền thực nhận nhỉnh hơn 300.000 đồng. Nếu không may xe hỏng phải sửa chữa, cộng thêm tiền xăng và ăn uống thì xem như mất trắng một ngày”, anh Bình chia sẻ. Anh cho biết trước mắt vẫn “cầm cự” chạy trong tháng này để có tiền tiêu Tết, sau đó có thể chuyển sang ứng dụng khác hoặc quay trở lại làm công nhân may mặc với mức lương khoảng 8 triệu đồng.
Giữa tháng 8/2017, nhiều tài xế GrabBike tại Hà Nội cũng đồng loạt tắt ứng dụng và kêu gọi đình công phản đối khi mức chiết khấu từ 5% lên 20%. Dù Grab giải thích việc thay đổi để cạnh tranh so với các dịch vụ tương tự, đồng thời thống nhất giữa hai thị trường lớn là TP HCM và Hà Nội, nhiều tài xế vẫn cho rằng mức chiết khấu này quá cao và bất hợp lý.
Phương Đông - Lệ Chi