Cuối tuần qua, Grab Việt Nam thông báo tăng mức phí sử dụng ứng dụng đối với dịch vụ GrabBike tại Hà Nội thêm 5%, áp dụng từ ngày 5/9. Theo đó, tài xế GrabBike sẽ phải chịu mức chiết khấu mới là 20%.
Tuy nhiên, nhiều tài xế GrabBike cho rằng mức chiết khấu này là không hợp lý và quá cao. Để phản đối chính sách mới, nhiều tài xế đồng loạt kêu gọi tắt ứng dụng, đình công thông qua các trang, nhóm trên mạng xã hội từ hôm 12/8.
Hôm qua, ngoài việc tắt ứng dụng, nhiều lái xe còn thực hiện một hình thức phản đối khác là đặt chuyến đi ảo. Các lái xe này sẽ đặt các chuyến xe để những tài xế không đình công nhận rồi ngay lập tức huỷ hoặc cũng có trường hợp không huỷ, tài xế đến điểm đón mới biết mình nhận phải chuyến đi ảo.
Anh Bình - tài xế GrabBike chuyên hoạt động tại khu vực Cầu Giấy chia sẻ: "Giá cước giờ đã quá rẻ, lượng người chạy Grab ngày càng tăng. Tất cả các chi phí xăng, điện thoại, sửa chữa xe... chúng tôi đều phải tự chi trả. Trước đây, hãng còn có nhiều hỗ trợ giá khung giờ cao điểm, thưởng, nhưng nay ngày càng ít. Nếu số tiền phải nộp về cho hãng tiếp tục tăng thêm 5% trong tháng sau thì thực sự làm khó cho chúng tôi".
"Tôi không chạy nữa để cùng các anh em đồng nghiệp phản đối chính sách mới với mục đích sẽ tạo thành phản ứng dây chuyền ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày của hãng. Hy vọng Grab có thể thay đổi quyết định tăng mức chiết khấu", một tài xế GrabBike đang đình công cho biết.
Theo tài xế Duy Nam đã có kinh nghiệm chạy GrabBike hơn một năm, tình trạng đình công, đặt chuyến đi ảo cũng có thời điểm ảnh hưởng đáng kể tới khách hàng và các tài xế vẫn hoạt động bình thường trong hôm qua. Tại những khu vực ít tài xế hoạt động, khách hàng có thể khó đặt được xe và giá cước cũng tăng nhẹ.
"Hôm qua, tôi đã gặp phải ba chuyến xe đặt ảo nhiều khả năng từ các đồng nghiệp. Mức chiết khấu 20% với tôi là vẫn chấp nhận được vì nếu chăm chỉ cày cuốc thì vẫn có thể thu nhập tốt hơn nhiều công việc khác, mà thời gian cũng chủ động hơn", anh Nam cho biết.
Trong khi đó, trên nhiều nhóm, trang mạng xã hội của cộng đồng các tài xế GrabBike tại Hà Nội cũng xuất hiện rất nhiều ý kiến trái ngược giữa những người đình công và những người hoạt động bình thường. Nhiều tài xế đình công chỉ trích những người vẫn nhận chở khách không đồng lòng, hay lợi dụng kiếm thêm tiền. Bên cạnh đó, cũng có lời kêu gọi các tài xế đang dùng dịch vụ của Grab chuyển sang Uber để nhận được nhiều ưu đãi hơn.
Tuy nhiên, không ít người coi chạy GrabBike là một nguồn thu nhập chủ yếu cho rằng những tài xế không đồng ý với mức tăng chiết khấu có thể đình công, nhưng không nên đặt chuyến đi ảo gây ảnh hưởng tới người khác. Họ vẫn phải ra đường kiếm tiền để trang trải cho gia đình và cũng không có công việc nào khác để thay thế.
Hiện tại, theo ghi nhận tại khu vực Cầu Giấy, khách hàng vẫn có thể sử dụng dịch vụ GrabBike. Phần đông tài xế vẫn hoạt động bình thường.
Trước phong trào đình công lan rộng, đại diện Grab Việt Nam cho biết, hãng chưa xử lý bất kỳ tài xế GrabBike đình công và đặt chuyến đi ảo nào. Phía Grab chỉ nhắc nhở các tài xế tuân thủ quy định của hãng thông qua hệ thống ứng dụng.
Bà Nguyễn Thu An - Giám đốc Truyền thông Grab Việt Nam chia sẻ: "Mức phí 20% vốn đã được áp dụng với các đối tác mới tham gia GrabBike tại TP HCM từ 7/5, và sắp tới cũng sẽ được áp dụng cho toàn bộ đối tác GrabBike tại Hà Nội từ 5/9".
Theo bà An, việc thay đổi mức phí này nhằm đảm bảo một mức phí thống nhất, ngang bằng với mọi đối tác tài xế GrabBike tại cả 2 thành phố, đồng thời giúp nâng cao chất lượng dịch vụ GrabBike. Mức phí cũng đã được cân nhắc để vẫn đảm bảo tính cạnh tranh so với các dịch vụ tương tự đang có mặt trên thị trường.
"Bên cạnh đó, hãng đang có chương trình thưởng 5% trên doanh thu dành cho top 20% đối tác xuất sắc. Sắp tới, chúng tôi sẽ triển khai thêm chương trình thưởng giờ cao điểm", bà An cho biết.
Anh Tú