Trong báo cáo được trình tuần này, Scott Stringer, người quản lý tài chính của New York cho biết, ngày càng nhiều người dân thành phố chọn cách đi bộ hoặc đạp xe tới nơi làm việc.
"Trong thời kỳ đại dịch, để giúp các nhân viên tuyến đầu đến chỗ làm, chúng ta phải đảm bảo họ có chặng đường an toàn mỗi ngày, trên xe đạp hoặc đi bộ", Stringer nói. Việc mở rộng không gian đi bộ và cho xe đạp được thực hiện tại năm khu vực của thành phố.
Thành phố có thể trợ cấp phí thành viên hiện nay của dịch vụ Citi Bike (hệ thống chia sẻ xe đạp) cho mỗi nhân viên tuyến đầu, Stringer cho biết. Ngoài ra, ai muốn mua xe đạp hoặc xe đạp điện đều có thể được hỗ trợ kinh phí, với sự hợp tác của các nhà sản xuất và bán lẻ.
Còn có những đề xuất biến đường cao tốc không được sử dụng nhiều thành đường đi bộ. Stringer cũng nêu giải pháp tạo ra một làn đi bộ trên mọi con phố thương mại hoặc khu dân cư, gia cố bằng "các barie, thanh chống tạm thời cũng như các chậu cây". Mở rộng không gian đi bộ cũng giúp duy trì cách biệt xã hội, tránh lây nhiễm.
Cuối cùng là mức giới hạn tốc độ giảm xuống còn 25 km/h với hầu hết các loại xe. "Đường phố vắng vẻ không phải là cái cớ để chạy nhanh, vì có thể gây nguy hiểm cho các nhân viên tuyến đầu, làm nản lòng người đi bộ và xe đạp", Stringer viết. Ngoài việc gây nguy hiểm, lái xe bất cẩn còn có thể gây tai nạn, tạo thêm áp lực lên hệ thống y tế đã bị đẩy tới giới hạn.
Đề xuất của Stringer là động thái mạnh mẽ hơn so với những gì mà thành phố New York áp dụng vào 27-30/3. New York hiện vẫn chứng kiến tốc độ tăng hơn 30%, cho thấy dịch bệnh vẫn đang lây lan nhanh và chưa được kiểm soát.
Mỹ hiện là vùng dịch Covid-19 lớn nhất thế giới với hơn 104.000 ca nhiễm nCoV, hơn 1.700 người chết và hơn 2.500 trường hợp bình phục. New York là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, chiếm hơn một nửa số ca nhiễm và trên 500 bệnh nhân tử vong trên toàn quốc.
Mỹ Anh (Theo Streetsblog New York City)