Tài xế quê Bình Thuận, gặp nạn khi lái xe chở khách tại TP HCM dịp nghỉ lễ. Camera hành trình của nhà xe ghi lại cơn co giật kéo dài khoảng một phút, người đàn ông cố gắng dừng xe kịp thời trước khi đổ gục, không ảnh hưởng đến hành khách và người đi đường.
Ngày 4/9, PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng, Trưởng Khoa Bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115, cho biết cơn co giật cục bộ nửa người trái chứng tỏ bệnh nhân đã bị tổn thương nghiêm trọng bán cầu não bên phải. Nhiều khả năng bệnh nhân tử vong nhanh có thể do đột quỵ xuất huyết não lượng lớn, gây thoát vị não. Với đột quỵ thiếu máu não, dù tắc động mạch lớn, để gây tử vong sẽ cần nhiều thời gian hơn. Ngoài ra, tỷ lệ gây cơn co giật của xuất huyết não cũng cao hơn đột quỵ thiếu máu não.
Theo bác sĩ Thắng, trường hợp đột quỵ xuất huyết não, 90% nguyên nhân là cao huyết áp. Loại đột quỵ này hiện chưa có nhiều cách điều trị hiệu quả, dễ tử vong và tàn phế. Người dân phòng ngừa bằng cách uống thuốc kiểm soát huyết áp lâu dài, liên tục, không chủ quan tự ý dùng thuốc vì thấy sức khỏe bình thường.
"Đột quỵ có thể xảy ra với bất kỳ ai, vào bất cứ thời điểm nào trong ngày. Tuy vậy, đột quỵ xảy ra với những tài xế chuyên nghiệp là điều cần quan tâm vì có thể ảnh hưởng sinh mạng nhiều người như cùng trên xe, đang giao thông trên đường", bác sĩ phân tích.
Một nghiên cứu gần đây tại Nhật Bản cho thấy tỷ lệ đột quỵ xảy ra ngay khi lái xe là 4%. Trong số đó, 16% trường hợp đã gây ra tai nạn giao thông.
Bác sĩ Thắng cho rằng cần thiết phải có chế độ kiểm tra định kỳ các bệnh lý nền như cao huyết áp, tiểu đường, tiền sử co giật... cho những tài xế chuyên nghiệp, ngoài việc kiểm tra thị, thính lực. Trên thế giới, một số quốc gia có thể tạm ngưng giấy phép nếu thấy tài xế có vấn đề về sức khỏe, đến khi được kiểm soát ổn định. Chẳng hạn, một tài xế thường xuyên bị chóng mặt hoặc có mức huyết áp cao hoặc rất cao khi mỗi lần đi khám, rất khó có thể đảm bảo an toàn khi lái xe.
Bác sĩ khuyến cáo khi phát hiện bệnh nhân đột quỵ, nhanh chóng gọi xe cấp cứu, đưa đến bệnh viện có khả năng điều trị đột quỵ càng sớm càng tốt. Đặt bệnh nhân nằm nghiêng, thông thoáng để đàm nhớt chảy ra ngoài và dễ thở. Không áp dụng các phương pháp như cắt lể, cạo gió, nặn chanh, cho uống thuốc... vừa gây nguy hiểm cho người bệnh, vừa lỡ thời gian vàng những giờ đầu.
Lê Phương