Giữa tháng 12, dự án bờ kè bảo vệ khu du lịch sông nước Xẻo Mây (thị trấn Cái Bè) được cấp phép tái khởi động. Dự án có kinh phí 60 tỷ đồng, dài 750 m, khu vực lấn sông rộng gần 7 ha. Trong đó, vị trí xa nhất cách bờ 160 m, ước tính tổng lượng cát để san lấp khoảng trên 430.000 tấn.
Hiện bờ kè đã hoàn thành gần 60% khối lượng, sẽ xong sau 5 tháng nữa. Sau đó, hạng mục công viên trái cây gần 10 ha, tổng kinh phí 350 tỷ đồng sẽ tiếp tục triển khai. Công trình chính rộng hơn 5 ha, gồm công viên, vườn cây trồng xoài cát Hòa Lộc, cam xoàn, ổi, bưởi long Cổ Cò, khu thương mại dịch vụ, bãi đỗ xe... Các phần này sẽ triển khai đầu năm sau và đưa vào sử dụng năm 2023.
Tại khu vực dự án hiện nay, sà lan chở cát đá neo đậu, cạnh bên là cầu tạm bằng dầm thép nối từ bờ ra đến bờ kè. Các công nhân đang lắp hệ thống đèn chiếu sáng. Phía dưới bờ kè, những cây cờ nhiều màu cũng được gắn vào để cảnh báo tàu thuyền khỏi va vào lúc nước lớn.
Dọc bờ kè, hơn 30 hộ dân hiện vẫn sinh hoạt bình thường. Dự kiến sau khi bờ kè hoàn thành, các nhà dân được đền bù giải tỏa để tiếp tục triển khai hạng mục công viên. Ở phía bờ sông đối diện thuộc cù lao Tân Phong (Cai Lậy), một bờ kè 200 m, tổng kinh phí hơn 19 tỷ đồng cũng mới xây xong.
Ông Nguyễn Hoàng Thảo, Giám đốc Ban quản lý dự án và Phát triển quỹ đất huyện Cái Bè, chủ đầu tư dự án cho hay, hai năm qua 23 nhà khoa học đã thành lập hội đồng đánh giá tác động môi trường của dự án này.
"Qua đánh giá tác động đến dòng chảy, diễn biến bờ và lòng dẫn đoạn qua cù lao Tân Phong, dự án chỉ làm nước dâng cục bộ tại khu vực theo năm, ảnh hưởng không đáng kể, riêng bờ đối diện hiện đã có bờ kè", ông Thảo nói.
Hồi tháng 2, Văn phòng Chính phủ đã giao lại cho UBND Tiền Giang phê duyệt dự án. Bốn tháng sau, Ban thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang có quyết định cho phép dự án tiếp tục thi công.
Trả lời VnExpress, tiến sĩ Dương Văn Ni, Khoa Tài nguyên và Môi trường, Đại học Cần Thơ, một trong các chuyên gia góp ý cho dự án cho biết, công tác đánh giá tác động môi trường của dự án không thu thập đầy đủ các tài liệu, sử dụng các mô hình tính toán chưa phù hợp. Kết quả đưa ra không được đo đạc kiểm chứng lại, nên khi sử dụng các kết quả này để nhận xét và kiến nghị là "rất nguy hiểm".
Theo Tiến sĩ Ni, việc sạt lở cù lao Tân Phong hiện nay tùy thuộc vào lượng nước, chất lượng nước chảy ra từ Đồng Tháp Mười và suy giảm phù sa trên sông Tiền. Nguyên nhân sạt lở do khai thác cát đã loại trừ vì nơi đây đã cấm khai thác cát.
Việc xây kè của dự án bằng vật liệu nhẹ và không bị axit ăn mòn sẽ không ảnh hưởng nhiều đến dòng chảy, không ảnh hưởng đến sạt lở cù lao. "Chính quyền địa phương cần giải thích rõ ràng cho xã hội, đặc biệt là người dân phía cù lao Tân Phong hiểu cặn kẽ các yếu tố gây ra sạt lở tại đây, để họ hiểu là việc xây dựng dự án không làm sạt lở đất đai của họ", tiến sĩ Ni nói.
Ngoài ra, việc khai thác một lượng cát lớn để san lấp cho dự án phải được khảo sát cẩn trọng về địa điểm, địa chất, trữ lượng, diện tích và thời gian. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Ni, sẽ tốt hơn nếu chuyển mục đích từ "công viên trên đất liền" thành "công viên nổi".
Trong đó, bờ kè cứng được thay bằng kè lửng, tức là kè để giúp giữ đủ nước trong mùa khô, còn mùa mưa thì nước bên trong "công viên nổi" sẽ được thông thương với nước bên ngoài sông Tiền. Bên trên bờ kè lửng là cầu đi bộ dành cho du khách ngắm sông.
"Phương án công viên nổi không làm thay đổi mục tiêu của dự án là phát triển du lịch, sẽ tạo ra sự độc đáo riêng mà không nơi nào sao chép được và cũng không cần lượng cát lớn để san lấp mặt bằng", tiến sĩ Ni nói.
Hoàng Nam