Các nhà khoa học tạo ra một hợp chất tương tự loại nước hoa từng được sử dụng bởi Cleopatra VII - nữ hoàng Ai Cập thu hút những người đàn ông cực kỳ quyền lực trong thế giới cổ đại như Julius Caesar và Marcus Antonius, IFL Science hôm 9/5 đưa tin. Nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Near Eastern Archaeology.
Trong thế giới cổ đại, Ai Cập nổi tiếng với việc sản xuất mùi hương. Vào thời Cleopatra VII, người Ai Cập đã có ít nhất 3.000 năm kinh nghiệm và rất giỏi trong việc này. Không lâu sau khi bà qua đời, một cuốn sách công thức được cho là của bà xuất hiện. Hơn 2.000 năm sau, các nhà khoa học cố gắng tái tạo quy trình chế tạo cũng như các nguyên liệu trong đó.
Cơ sở của các loại nước hoa và thuốc bôi Ai Cập là dầu thực vật hoặc mỡ động vật thay vì cồn hiện đại như ngày nay. Mùi hương được tạo ra thông qua khói từ việc đốt nhựa thơm, vỏ cây và thảo mộc, hoặc thông qua quá trình tẩm bằng nhựa, hoa, thảo mộc, gia vị và gỗ.
Ý nghĩa chính xác của các chữ tượng hình Ai Cập dùng để ghi lại những công thức này đã mất dần theo thời gian. Giới khoa học biết tên của các loại dầu dùng trong những nghi lễ thời Cleopatra, nhưng không chắc chắn về thành phần của chúng. Các bản ghi chép bằng tiếng Hy Lạp và La Mã dễ dịch hơn, nhưng độ tin cậy lại thấp hơn vì tác giả thường là người ngoài cuộc, không phải nhà sản xuất nước hoa.
Tuy nhiên, việc phát hiện một công trình cổ nhiều khả năng là xưởng sản xuất nước hoa tại Thmouis đã mang đến những cơ hội mới. Thmouis là vùng mở rộng của Mendes, nơi có nước hoa nổi tiếng khắp Địa Trung Hải. Những lọ nước hoa bằng gốm được tìm thấy rất nhiều tại đây và giới chuyên gia cho rằng chúng phục vụ cho mục đích thương mại.
Các nhà khoa học sử dụng huỳnh quang tia X để phân tích những phân tử trong các lọ, bao gồm cả phù sa sông Nile dùng để chế tạo lọ và cặn của các chất đựng bên trong. Kết hợp các văn bản lịch sử với phân tích hóa học hiện đại, tiến sĩ Dora Goldsmith tại Đại học Frele Berlin và tiến sĩ Sean Coughlin tại Đại học Humboldt Berlin thử nghiệm một loạt chất tiềm năng với hy vọng tìm ra mùi nước hoa của Cleopatra.
Sử dụng nhiều loại nguyên liệu và phương pháp chế biến, họ tạo ra một mùi hương cực kỳ dễ chịu, với mùi cay nồng của mộc dược nghiền, quế, đi kèm với hương thơm ngọt ngào. Hơn nữa, mùi hương hấp dẫn có thể duy trì trong hai năm, phù hợp với các bản ghi chép rằng nước hoa Ai Cập vẫn giữ được chất lượng khi vận chuyển. Không chỉ tỏa hương thơm, hỗn hợp cũng chứa các chất chống nấm và kháng khuẩn giúp ngăn các mùi khó chịu và cho phép mùi hương mong muốn tỏa ra.
Nghiên cứu mới thuộc một lĩnh vực nhỏ nhưng đang phát triển, đó là tái tạo những mùi hương cổ xưa. Nghiên cứu thậm chí mở rộng đến việc tái tạo những mùi ít dễ chịu. Ví dụ, Goldsmith tạo ra "cảnh quan mùi" của các thành phố Ai Cập cổ đại bao gồm cung điện, đền thờ và xưởng sản xuất những mặt hàng từ dép đến vũ khí.
Thu Thảo (Theo IFL Science)