Ngày 18/6, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Thanh, Trưởng Khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cho biết phần khuyết ở mô tuyến vú và một phần da bị cắt bỏ cùng khối ung thư vú khiến bệnh nhân bị biến dạng ngực bên phải, mất cân đối với ngực trái.
Kíp mổ đã dùng vạt cơ lưng kích thước 10x20 cm để che phủ những phần này. Sau mổ ba ngày, vạt da được máu nuôi tốt, đang hồi phục.
"Vạt cơ lưng rộng thường được ưu tiên sử dụng vì có tính an toàn trong cấp máu, vừa có mô đệm đủ để tạo hình thẩm mỹ bầu vú cao lên, giấu được sẹo của đường khâu da", bác sĩ phân tích.
Theo bác sĩ Thanh, mục tiêu tái tạo vú là cải tạo hoặc định hình một hoặc cả hai vú sau phẫu thuật. Bác sĩ có thể phẫu thuật cấy ghép hoặc tạo bộ phận giả bằng cách dùng silicone hay nước muối. Lựa chọn thứ hai là phẫu thuật lấy vạt da hoặc tự thân, sử dụng mô từ phần khác của cơ thể.
Trước đây, nhiều nơi tái tạo ngực cho bệnh nhân mắc ung thư vú thường sử dụng vạt vi phẫu. Khi đó, các bác sĩ loại bỏ hoàn toàn mô và các mạch máu để đặt vào vú, khâu các mạch máu này vào các mạch máu khác trong lồng ngực bằng vi phẫu. Loại vạt này thường có nguy cơ tắc mạch, gây hoại tử vạt.
Ung thư vú chiếm tỷ lệ hàng đầu ở ung thư của phụ nữ, khiến nhiều người phải cắt bỏ một phần cơ thể. Điều này ảnh hưởng đến sức khỏe lẫn tinh thần, tâm lý bệnh nhân. Ngoài mổ cắt bỏ ung thư vú, phẫu thuật tái tạo vú đóng vai trò quan trọng trong cải thiện chất lượng cuộc sống, đặc biệt với những bệnh nhân nữ không may mắc bệnh khi tuổi còn quá trẻ.
Lê Phương