Năm 1968, bố tôi mua đất ven đê La Thành, làm nhà sát cánh đồng rau trên chính dòng sông Tô, đưa cả nhà ra đó sống. Hồi đó máy bay Mỹ đang ném bom Hà Nội nên nhiều nhà cũng dọn ra ngoại ô như thế. Tôi nhớ sông Tô lúc đó chỉ còn là lạch nước nhỏ, rộng khoảng vài mét, dân làng vẫn bắc những cây tre tạm bợ làm cầu qua sông.
Người phương xa, thậm chí cả người sống ở Hà Nội nhiều năm, khi nói đến Hà Nội, thường nhắc đến khu phố cổ, coi đó như biểu tượng về Thủ đô. Nhưng phố cổ mới chỉ có vài trăm năm nay, chỉ là một phần nhỏ trong tiến trình phát triển 2.000 năm của Hà Nội. Biểu trưng cho Hà Nội, chứng kiến đô thị này từ lúc còn là những làng chài ven sông đến lúc thành kinh đô rồi tồn tại đến bây giờ, không gì chính xác hơn là dòng sông Tô Lịch.
Sông Tô Lịch là nhánh của sông Hồng, cửa sông Tô với sông Hồng nằm ở phố Chợ Gạo ngày nay, gần cầu Chương Dương. Sau đó sông chảy hiền hòa từ đông sang tây, cấp nước sông Hồng cho Hồ Tây, rồi chảy đến vùng chợ Bưởi thì hợp lưu với sông Thiên Phù, cũng là một nhánh của sông Hồng; từ Nhật Tân qua cánh đồng làng Xuân La, thì quặt chảy xuống phía nam để nhập vào sông Nhuệ mạn Thanh Trì, sông Nhuệ tiếp tục chảy xuống phía Nam để hợp vào sông Đáy rồi ra biển ở mạn Ninh Bình.
Trên bản đồ Hà Nội, cổ nhất như bản đồ Hồng Đức (1490) đến các bản đồ của người Pháp vẽ khi mới sang, ta thấy đô thị cổ Hà Nội có rất nhiều nhánh sông nối thông với sông Hồng, để phân lũ ra biển, trong đó Tô Lịch là lớn nhất. Phương châm sống chung với lũ ông cha ta đã thực hiện từ hàng nghìn năm trước.
Dọc sông Tô Lịch là hơn 30 làng mạc, là cả chiều dày hàng nghìn năm của văn hóa Thăng Long. Cửa sông Tô nhận nước từ sông Hồng gọi là Hà Khẩu. Cạnh đó là đền Bạch Mã, đền thờ con ngựa trắng, đã giúp vua Lý xây thành Thăng Long. Đền cũng thờ thành hoàng làng Long Đỗ, làng cổ xưa nhất của miền đất này, nên sau này là thành hoàng của đất Thăng Long.
Dòng sông Tô uốn lượn chảy quanh chợ Cầu Đông, chợ lớn nhất đất kinh kỳ. Sau này người Pháp lấp sông để xây thành chợ Đồng Xuân, vẫn tiếp nối truyền thống là chợ đầu mối lớn nhất của cả vùng đồng bằng sông Hồng. Từ đây sông Tô Lịch chảy chéo lên nhập vào hào nước phía ngoài thành Thăng Long, nói chính xác hơn là thành Thăng Long xây sát mép sông Tô Lịch, lấy sông làm hào nước che chở.
Dòng sông tiếp tục chảy về phía Hồ Tây, qua đền thờ Trấn Vũ, một trong tứ trấn của thành Thăng Long xưa. Từ đền Trấn Vũ, sông Tô Lịch chảy đến làng Trích Sài thì có nhánh đổ vào Hồ Tây, gọi là Hồ Khẩu, giờ vẫn còn đình làng mang tên Hồ Khẩu. Hồ Tây đóng vai trò như hồ điều tiết chống lũ của vùng đất này. Lũ sông Hồng lên to thì nước theo sông Tô Lịch chảy vào hồ Tây, lũ sông Hồng xuống thì nước trong hồ lại theo sông Tô chảy ngược ra sông Hồng.
Sông Tô chảy đến Bưởi thì gặp nhánh sông Thiên Phù, làm thành ngã ba sông nổi tiếng. Đây chính là góc phía tây thành Đại La, nơi thuyền rồng của vua Lý Công Uẩn khi đậu lại trên đường từ Ninh Bình ra, thấy ráng mây cao như rồng bay đã đặt tên cho vùng đất này là Thăng Long. Tiếp theo là cả một miền các làng cổ xưa của Hà Nội, làm giấy, trồng dâu, nuôi tằm, trồng rau, nuôi cá... với nhiều địa danh nổi tiếng như Yên Thái, Nghĩa Đô, Láng, Cót, Mọc, Kim Văn, Kim Lũ...
Do sự dịch chuyển của dòng sông Hồng sang tả ngạn, các nhánh sông Hồng phía Hà Nội bị bồi lấp dần. Vào thời chúa Trịnh (thế kỷ 18) sông Thiên Phù bị lấp. Sang thế kỷ 19 sông Tô Lịch cạn dần. Nhưng trên các bản đồ Hà Nội do người Pháp vẽ năm 1873, 1889, 1891, vẫn thấy cửa sông Tô thông với sông Hồng.
Năm 1894, người Pháp phá tường thành Hà Nội, lấp các hào nước quanh thành, lấp luôn sông Tô Lịch đoạn chảy qua khu phố cổ. Lý do người Pháp phá thành Hà Nội khá khó hiểu, vì chính họ cần tường thành để phòng thủ trước sự tấn công của người bản xứ. Nhưng Toàn quyền Paul Doumer (1897-1902) viết trong cuốn hồi ký Xứ Đông Pháp - Những kỷ niệm (L'Indochine Francaise - Souvenirs, xuất bản ở Paris năm 1905): "Người ta lấy lý do là những bức tường thành đã ngăn cản sự lưu thông của khí trời đến mức mà những người dân châu Âu cư trú trong đó phải chịu đựng sự ô nhiễm độc hại. Nếu đúng như vậy thì sự lo lắng đến sức khỏe con người đã vượt qua mọi thứ khác trong những xứ nhiệt đới, nơi mà quá nhiều nguy hiểm đe dọa họ, vậy thì chúng ta cũng không nên tiếc hành động đã làm. Chỉ có điều buồn cho nghệ thuật và lịch sử là cổng thành không còn nữa. Tôi đã đến quá chậm trễ để có thể cứu vãn những bi thảm của tòa thành đó".
Căn cứ vào tình hình ô nhiễm của sông Tô Lịch ngày nay, có thể hiểu được quyết định của người Pháp khi đó. Sông Tô Lịch bị bồi lắng quá nhiều, dòng chảy ít, lại nhận nước thải sinh hoạt từ khu phố chợ đông đúc, rồi chảy về hào nước quanh thành, làm hào nước ô nhiễm nặng nề, phát sinh dịch bệnh cho binh lính trong thành, dẫn đến quyết định phá tường thành, lấp hào nước thành đoạn phố Phan Đình Phùng như bây giờ. Đoạn sông Tô Lịch từ cửa Hà Khẩu cũng bị lấp, xây nên phố xá, sau này chỉ còn một vài vết tích cho biết nơi đây từng có dòng sông chảy qua như Chợ Gạo, Cầu Đông, cống chéo Hàng Lược.
Sông Tô Lịch bị lấp mất cửa nhận nước: cửa Thiên Phù bị lấp vào thế kỷ 18, cửa Hà Khẩu lấp vào cuối thế kỷ 19. Dòng sông bị lấp mất cửa sông sẽ dần biến thành dòng sông chết, chỉ còn là cái cống thoát nước thải. Hà Nội không có lỗi trong chuyện này. Vì vấn đề sông Tô Lịch người Hà Nội đã chịu nhiều điều tiếng. Nói đến sông Tô Lịch là nói đến cống nước thải lộ thiên chảy giữa thành phố, bốc mùi quanh năm. Nói đến Tô Lịch là nói đến điểm đen nhức nhối về môi trường.
Chính quyền và người dân Hà Nội đã cứu dòng sông Tô. Đó là công lao rất lớn mà thế hệ sau phải ghi nhận công bằng. Hàng triệu ngày công của hàng vạn người dân Thủ đô kéo dài nhiều năm đã khôi phục sông Tô Lịch từ một rãnh nước nhỏ trở lại kích thước một dòng sông lớn. Tuy nhiên công cuộc giải cứu sông Tô Lịch chưa hoàn thành, vì chỉ mới khôi phục hình hài con sông, chưa khôi phục được dòng chảy.
Để cứu dòng sông, cần làm tiếp các việc như xử lý nước thải sinh hoạt chảy vào sông gây ô nhiễm và khôi phục dòng chảy tự nhiên. Thành phố đã đầu tư hệ thống cống bao dọc các sông nội thành để dẫn nước thải về các nhà máy xử lý. Tiếp theo là khôi phục lại dòng chảy cho sông. Việc này nổi lên cấp bách vì sau khi bị chặn nốt các cống nước thải, sông Tô Lịch sẽ thật sự cạn khô.
Lãnh đạo Hà Nội vừa quyết định sẽ dẫn nước sông Hồng vào để giải cứu sông Tô. Quyết sách này, theo tôi, hợp lý về cả mặt khoa học và lịch sử. Cái gì của sông Tô phải trả lại sông Tô. Hướng tuyến ống lấy nước từ sông Hồng về qua Hồ Tây để cấp nước cho sông Tô, lại chính là hướng đi của dòng sông cổ Thiên Phù xưa kia. Giá mà bây giờ Hà Nội đào được nốt cửa sông chỗ phố Chợ Gạo, kéo ra đến sông Tô Lịch, thì Thủ đô sẽ có con kênh chảy qua phố cổ, giống như các thành phố sông nước trên thế giới.
Trong lúc lần theo hướng đi của dòng sông bị lấp, tôi phát hiện ra sông Tô Lịch còn một đoạn rất dài, trên 3 km bị quên lãng. Người Pháp khi lấp sông Tô Lịch chỉ lấp đến đầu đường Thụy Khuê. Từ đó ra đến chợ Bưởi vẫn là dòng chảy tự nhiên của con sông cổ. Nhưng vào năm 1980, khi Hà Nội đào lại sông Tô Lịch thì chỉ đào từ chợ Bưởi, nên bây giờ rất nhiều người vẫn nghĩ sông Tô Lịch chỉ bắt đầu từ đầu đường Hoàng Quốc Việt. Còn đoạn sông Tô Lịch kia bao năm nay bị gọi nhầm là mương nước thải phố Thụy Khuê.
Vì vậy, tôi mong nhà chức trách hãy đi thực địa, để nhìn thấy đoạn sông Tô Lịch từ dốc La Pho ra đến chợ Bưởi bị lãng quên bao năm nay, để thấy đoạn sông Tô này vẫn còn, dù nhiều khúc đã bị đổ đất lấn chiếm, bị cống hóa... để khôi phục lại khúc sông lịch sử này. Chúng ta có quyền mơ mộng dòng sông được hồi sinh sẽ là món quà vô giá cho môi trường và cảnh quan Hà Nội.
Trên thế giới có nhiều ví dụ về việc thành phố phát triển bên dòng sông. Gần chúng ta nhất là Ô Trấn - một trong bốn thành cổ đẹp nổi tiếng của vùng sông nước Giang Nam, Trung Quốc.
Ở thủ đô Seoul (Hàn Quốc), sau 47 năm bị vùi lấp, con suối Cheonggyecheon được khai thông năm 2005, nhanh chóng trở thành địa điểm hấp dẫn với không gian ngập bóng cây xanh cho khách du lịch và người dân thành phố.
Ở châu Âu, ngoài thành phố trên sông Venice nổi tiếng, còn có Amsterdam được mệnh danh là "Venice phương Bắc". Amsterdam đã và đang bắt tay vào triển khai những kế hoạch trả lại dòng chảy tự nhiên cho dòng sông. Kể từ năm 1962, kênh đào Amsterdam (Hà Lan) - Rhein hoàn thành, từ đó các con kênh phụ được đào để nối với kênh chính, hình thành hơn 90 khu đảo nối liền bằng 600 cây cầu.
Vì thế tôi rất mong mỏi nhân dịp này, dòng sông Tô Lịch, long mạch của đất kinh kỳ, sẽ được hồi sinh.
Quan Thế Dân