Họa sĩ Hoàng Hưng và các cộng sự đã hoàn thành công việc của những người tái sinh bức tranh. Tác phẩm sẽ được ra mắt vào ngày 15/5.
Victor Tardieu là hiệu trưởng đầu tiên của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Ông sang Việt Nam từ năm 1921 và qua đời tại mảnh đất này năm 1937. Trong 16 năm sống và làm việc tại Việt Nam, Tardieu đã dành nhiều công sức đào tạo nên những thế hệ họa sĩ tài năng như Nguyễn Phan Chánh, Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Lê Văn Đệ…
Bức tranh tường ngự trên hội trường lớn được Tardieu vẽ bằng chất liệu sơn dầu trên toan, rộng khoảng 80 m2 - được coi là tác phẩm mỹ thuật hiện đại lớn nhất Việt Nam. Ở vị trí trung tâm tác phẩm là chiếc cổng tam quan truyền thống của làng quê Việt Nam nằm dưới tán cây cổ thụ. Trên hai hàng cột chính có đôi câu đối: "Nhân tài quốc gia chi nguyên khí/ Đại học giáo hoá chi bản nguyên" (Nhân tài là nguyên khí quốc gia, Đại học là gốc của giáo hóa). Ẩn hiện giữa cổng tam quan là Alegorie du Progres - bà mẹ của trí tuệ, tay cầm sách, thể hiện tinh thần hướng đến sự tiến bộ. Trên khoảng không gian rộng trước cổng tam quan, họa sĩ tái hiện một cách sinh động chân dung những con người đương thời gồm nhiều tầng lớp, cả người Pháp lẫn những cư dân bản xứ. Mỗi nhân vật xuất hiện với một gương mặt, một cách biểu hiện cảm xúc khác nhau.
![]() |
Bức tranh lúc hoàn thiện. (Ảnh: vnu.edu.vn) |
Bức tranh được hoàn thành vào những năm đầu thập kỷ 30 của thế kỷ trước. Nhưng do điều kiện khí hậu nóng ẩm và sự tàn phá của chiến tranh, đến nay tác phẩm đã bị dỡ bỏ, để lại một khoảng tường vôi trắng xóa. Những người từng biết đến bức tranh tường này như GS Văn Như Cương, GS Phan Huy Lê đã bày tỏ sự tiếc nuối trước mất mát đó. Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành thành lập Đại học Đông Dương, ban giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội đã quyết định phục dựng lại tác phẩm với sự đồng ý của bà Alix Turolla Tardieu, cháu nội cố họa sĩ.
Người được lựa chọn để đảm trách công việc đầy thử thách này là họa sĩ Hoàng Hưng - tác giả của những tác phẩm hoành tráng đặt tại một số công trình ở Hà Nội và là người Việt Nam duy nhất có tác phẩm treo tại trụ sở UNESCO ở Paris. Họa sĩ Hoàng Hưng cho biết, ông hào hứng nhận phục dựng bức tranh bởi sự trân trọng những tình cảm mà Tardieu dành cho Việt Nam và ước mong hồi sinh lại những giá trị văn hóa tinh thần quý giá bộc lộ trong tác phẩm. “Dựng trên bối cảnh làng quê Việt Nam, giá trị bức tranh còn được thể hiện một cách sâu sắc và uyên bác qua sự đồng hiện của triết học phương Đông và phương Tây. Không phải người nước ngoài nào cũng yêu mến và am hiểu Việt Nam như Tardieu”, ông nói.
![]() |
Họa sĩ Hoàng Hưng thực hiện công việc trên giàn dáo. (Ảnh do họa sĩ cung cấp) |
Tất cả những gì Hoàng Hưng có chỉ là những bức ảnh chụp nguyên mẫu họa phẩm do bà Tardieu cung cấp. Công việc nghiên cứu, phân tích bắt đầu bằng việc phóng to nguyên mẫu để thấy rõ từng chi tiết. Nhưng vì ảnh quá nhỏ nên khi phóng ra khổ to, rất nhiều chi tiết bị rạn, vỡ, chưa kể đến sự “mù mờ” về màu sắc do được chụp ở thời chưa có ảnh màu. Họa sĩ Hoàng Hưng đã phải lặn lội tìm đến các cụ - những người may mắn được chiêm ngưỡng bức tranh gốc - nhờ họ miêu tả càng cụ thể càng tốt về chi tiết, màu sắc và thần thái tác phẩm. “Trong bức ảnh, có nhiều khoảng tối hoàn toàn nhưng mình phải đọc và tái hiện được bóng mờ của nó. Cố gắng giữ những gì có thể được của bức tranh một cách cẩn trọng. Việc còn lại là thể hiện màu sắc - màu của thời gian”, họa sĩ Hoàng Hưng tâm sự.
Chỉ có 3 tháng để hoàn thành bức tranh rộng 80 m2 (trong khi Tardieu vẽ trong vòng 6 năm), họa sĩ Hoàng Hưng và các cộng sự đã phải làm cả ngày và đêm, chạy đua với thời gian. Không chỉ thế, việc thi công tác phẩm hoàn toàn diễn ra trên cao khiến việc di chuyển gặp nhiều khó khăn. Treo mình trên giàn dáo cao đến 10 m, người họa sĩ như lẫn vào những nhân vật trong bức tranh ông vừa tái hiện. Mỗi khi hoàn thành một nét vẽ, họa sĩ lại hì hục leo xuống, đứng ngắm nghía, nghiên cứu rồi tiếp tục leo lên, vẽ tiếp. Chỉ riêng việc đi lên đi xuống như vậy cũng đã ngốn mất của ông rất nhiều thời gian và sức lực.
Trong quá trình thực hiện tác phẩm, rất nhiều nhà lịch sử và các cựu học sinh trường Đông Dương tìm đến tận hội trường Lê Thánh Tông để xem bức tranh. Họa sĩ Hoàng Hưng cho biết, ông nhận được sự động viên rất lớn khi nhiều bậc lão thành nhận xét, bức tranh đã "rất giống với tác phẩm gốc". Trong buổi nghiệm thu công trình, GS Phan Huy Lê đã đánh giá cao thành quả quá trình lao động nghệ thuật với rất nhiều công sức và tâm huyết của họa sĩ Hoàng Hưng.
Từ nay, tác phẩm nghệ thuật đồ sộ này sẽ về lại trên giảng đường chính Đại học quốc gia Hà Nội, ghi lại dấu ấn của một họa sĩ người Pháp tâm huyết với nền giáo dục Việt Nam.
Hà Linh