Người gửi: LH,
Gửi tới: Ban Biên tập
Tiêu đề: Xả rác bừa bãi và ý thức
Tôi rất đồng ý với ý kiến của bạn Hathu. Tuy nhiên, để người dân thay đổi được thói quen và ý thức thì chúng ta phải đi tìm nguyên nhân dẫn đến ý thức kém đó.
Tôi đồng ý là nhà nước nên ban hành luật để phạt tiền những người vô ý thức như vậy. Tuy nhiên, ta hãy nhìn lại vấn đề vi phạm luật giao thông của người dân Việt Nam đi. Luật cũng phạt tiền, giữ xe.v.v ghê gớm lắm, vậy mà người dân vẫn cứ vi phạm luật đều đều. Vậy thì, việc phát tiền cũng chỉ giải quyết được một chút xíu thôi. Vấn đề lại nằm ở chỗ khác kia.
Vấn đề mấu chốt là: Hoàn cảnh xã hội quyết định ý thức người dân. Ở chỗ bán kem này có thể có đủ thùng rác cho mọi người vứt, nhưng ở những chỗ khác thì không có. Những chỗ không có thì nhiều hơn những chỗ có nhiều. Vì thế, người dân vứt rác đã trở thành thói quen, cứ ăn xong là vứt xuống đường. Khi đến chỗ nào có thùng rác rồi thì cái thói "ăn xong là vứt xuống đường" kia nó đã trở thành cố hữu. Tôi đã có một lần phải bỏ giấy kẹo vào trong túi quần để mang về nhà bỏ vào thùng rác bởi vì trên suốt con đường không tìm đâu ra thùng rác.
Con người luôn có xu hướng sống thoát ra ngoài các khuôn phép, và đôi khi quay lại cái bản năng vốn có của mình nếu không có luật pháp và các nguyên tắc xã hội gò bó.
Luật pháp và những người thi hành luật pháp không nghiêm thì cũng không thể đòi hỏi có một xã hội tốt mà ở đó con người có ý thức được. Mà luật pháp không tốt và cơ chế không tốt thì sẽ không thể điều khiển hoặc đảm bảo được những người thực thi pháp luật làm tốt được.
Quay lại với ví dụ phạm luật giao thông. Nếu người ta vi phạm luật giao thông mà CSGT phạt nghiêm thì người ta sẽ không có xu hướng tái phạm. Nhưng người ta sẽ vẫn tái phạm nếu tiêu cực kia xảy ra. Vậy vấn đề lại quay lại là làm sao để CSGT phạt nghiêm, không nhận hối lộ.
Ta tự hỏi tại sao người dân nhiều nước trên thế giới lại có ý thức tốt hơn chúng ta. Hoàn toàn không phải do bộ óc của họ khác của chúng ta.
Một anh chàng người Đài Loan chẳng hạn, vi phạm luật giao thông tại Đài Loan, khi về nhà 1 hoặc 2 hôm sau anh ta sẽ nhận được một giấy báo và biên lai phạt của cảnh sát gửi đến nêu rõ lỗi vi phạm và số tiền phạt mà anh ta phải nộp. Tuy nhiên, anh ta chẳng phải mang tiền đi đâu nộp phạt cả, ngân hàng khi nhận được giấy tờ của cảnh sát đã tự động khấu trừ vào tài khoản của anh ta rồi. Thử hỏi lần sau còn dám vi phạm? Anh ta tuân thủ luật và có ý thức cũng chẳng phải anh ta là người Đài Loan, hay có thể là bất cứ quốc tịch nào khác trên thế giới, mà đơn giản là anh ta biết sợ luật và bắt buộc phải tuân thủ luật.
Vậy vấn đề lại chuyển sang việc cải cách hệ thống ngân hàng và pháp luật về quản lý thu nhập, thanh toán... và tiếp tục sẽ là một dây chuyền dài lê thê để cải cách chứ không chỉ đơn thuần là ban hành luật phạt tội xả rác đâu.
Vật chất (trong trường hợp này là cơ chế, phương pháp...) quyết định ý thức! Chỉ cần nắm rõ triết lý này là giải quyết được cả.