Về tội Hiếp dâm
Theo khoản 1 Điều 141 của Bộ luật Hình sự về tội Hiếp dâm, người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc bằng thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân thì bị phạt 2-7 năm.
Trên phương diện luật pháp, đối tượng được pháp luật bảo vệ trong tội Hiếp dâm chính là danh dự, nhân phẩm, sức khỏe và thậm chí là tính mạng của nạn nhân (thường là nữ giới).
Như vậy, về mặt nguyên tắc, nếu hành vi của người chồng thỏa mãn một trong các trường hợp của điều luật nói trên có thể được coi là phạm tội. Tuy nhiên, trên phương diện thực tế, các cơ quan thực thi pháp luật rất thận trọng khi giải quyết bởi giữa người thực hiện hành vi và nạn nhân có quan hệ hôn nhân.
Nếu hành vi hiếp dâm thuộc khoản 1 Điều 141 Bộ luật Hình sự thì cơ quan tiến hành tố tụng chỉ có thể xem xét trách nhiệm hình sự với người đã có hành vi hiếp dâm khi nạn nhân tố giác. Trên thực tế, rất ít trường hợp người vợ tố giác chồng nên lịch sử tư pháp của Việt Nam đến nay cũng chỉ có một vài trường hợp.
Vì những lý do nêu trên, hành vi quan hệ tình dục trái với ý muốn của người vợ trong hôn nhân gia đình chỉ được xem xét dưới góc độ bạo lực gia đình, bị xử phạt hành chính, nếu người vợ có yêu cầu.
Đối với hành vi cưỡng đoạt tài sản sản
Điều 170 Bộ luật Hình sự quy định cưỡng đoạt tài sản là hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản.
Điều luật không quy định nhưng trên thực tế thì tài sản bị chiếm đoạn thông thường phải thuộc sở hữu hoặc quản lý hợp pháp của nạn nhân. Nếu tài sản bị chiếm đoạt thuộc sở hữu chung của người chiếm đoạt và người bị chiếm đoạt thì pháp luật cần phải đánh giá một cách khách quan, toàn diện... để quyết định có xem xét trách nhiệm hình sự với người phạm tội hay không.
Với quy định trên, đa số trường hợp người vợ bắt ép người chồng đưa hết lương cũng chưa đến mức được coi là "đe dọa sử dụng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần" của "nạn nhân".
Hơn nữa, theo Luật Hôn nhân và gia đình, tiền lương của chồng là thu nhập có trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung vợ chồng chứ không phải tài sản riêng của chồng bị người vợ chiếm đoạt.
Cũng tương tự, pháp luật cũng chỉ coi hành vi ở tình huống thứ hai là bạo lực gia đình, bị xử phạt hành chính theo quy định chứ ít khi coi đó là hành vi phạm tội như ở các vụ án thông thường.
Luật sư Vũ Tiến Vinh
Công ty luật Bảo An, Hà Nội