Luật Công bằng Tài chính (FFP) hiện vẫn áp dụng theo phiên bản năm 2015, tức là chỉ dựa vào lợi nhuận trước thuế luỹ kế để đánh giá các đội bóng. Lợi nhuận trước thuế theo cách tính của UEFA cho luật Công bằng Tài chính, đã bỏ đi các chi phí như đào tạo trẻ, bóng đá nữ hay chi tiêu cho cộng đồng. Còn những chỉ số tài chính khác như nợ hay quỹ lương không dùng để đánh giá.
Hằng năm, UEFA sẽ giám sát các đội dựa theo lợi nhuận trước thuế của ba năm gần nhất. Tuy nhiên, họ cũng vẫn có những điều chỉnh cho phù hợp với đại dịch Covid-19. Như kỳ giám sát năm 2021 chỉ tính kết quả năm 2018 và 2019 gộp lại, tức là PSG lãi 110 triệu euro. Còn kỳ giám sát năm 2022 tính kết quả của năm 2018, 2019 và trung bình năm 2020 với 2021.
Ở mỗi kỳ giám sát, các đội bóng không được lỗ trung bình quá 30 triệu euro mỗi năm. Tức là với kỳ giám sát ba năm gần nhất, khoản lỗ của họ không được vượt quá 90 triệu euro. Do đó trong kỳ giám sát năm 2022, PSG vẫn được phép lỗ đến 290 triệu euro. Chắc chắn PSG sẽ không lỗ đến mức đó, khi Ligue 1 đã đón khán giả trở lại từ mùa 2021-2022.
Hãy đi sâu hơn một chút vào tác động của Messi và các tân binh khác đến bức tranh tài chính của PSG. Trước hết, hãy xét tới chi phí. Khi hạch toán, các chi phí như phí chuyển nhượng hay lương của cầu thủ sẽ chia theo khấu hao theo số năm hợp đồng. Chẳng hạn PSG mua Hakimi với giá 60 triệu euro, hợp đồng 5 năm, tức là mỗi năm chi phí khấu hao của Hakimi là 12 triệu euro. Còn lại Messi, Ramos, Donnarumma và Wijnaldum đều đến theo dạng miễn phí.
PSG phải trả cho Messi 40 triệu euro tiền lương mỗi mùa, chưa tính thưởng. Với Ramos là 20 triệu, Donnarumma 12 triệu, Wijnaldum và Hakimi 10 triệu. Tính thêm cả chi phí để mua đứt Mauro Icardi, Sergio Rico hay Danilo Pereira trước đó, tổng chi phí PSG thêm vào từ các cầu thủ này cho năm 2020 với 2021 là 140 triệu euro mỗi năm.
Cũng trong hai năm này, PSG đã đẩy đi vài cầu thủ lương cao như Edinson Cavani hay Thiago Silva. Tổng cộng, họ giảm được 58 triệu euro chi phí lương cho các cầu thủ này, để bù một phần vào con số 140 triệu euro cho các tân binh. Ngoài ra, PSG cũng sắp hoàn tất khấu hao từ phí chuyển nhượng 222 triệu euro cho Neymar năm 2017 và 145 triệu euro cho Mbappe năm 2018. Từ năm 2021, khấu hao của Neymar giảm từ 44 triệu euro mỗi năm, xuống còn 11 triệu euro. Còn từ năm 2022, khấu hao của Mbappe giảm từ 36 triệu euro về 0. Tức là trong năm 2021, PSG sẽ bớt được 33 triệu euro khấu hao, còn từ năm 2022 họ bớt được 70 triệu euro khấu hao.
Tóm lại, chuyển nhượng của PSG hai năm qua chỉ ngốn thêm 49 triệu euro chi phí. Và những gì Messi đem về có PSG có thể gấp nhiều lần con số này.
Bây giờ hãy xem Messi có thể kiếm tiền cho PSG bằng những cách nào để bù đắp cho chi phí 49 triệu euro đó. PSG sẽ đàm phán để nâng giá trị hợp đồng hiện tại, và tìm thêm những nhà tài trợ mới. Khi Ronaldo gia nhập Juventus năm 2018, doanh thu của CLB này từ nhà tài trợ tăng gần 50%. Giả sử doanh thu tài trợ của PSG chỉ tăng 25% với sự xuất hiện của Messi, cũng đủ để giúp họ kiếm thêm 70 triệu euro.
Về doanh thu bán áo, theo thoả thuận giữa với Nike, nếu PSG bán được 1 triệu chiếc, họ sẽ nhận được 10 triệu euro tiền thưởng doanh số.
PSG sẽ không tăng giá vé, nhưng Chủ tịch Al Khelaifi đang nung nấu ý định xây sân mới, hoặc mở rộng sân Parc des Princes.
UEFA đang tính tới kế hoạch thay đổi cách giám sát đội bóng, bằng cách giới hạn tỷ lệ lương trên doanh thu xuống 70%. Nhưng, PSG cũng không quá lo lắng. Tỷ lệ này của họ năm 2020 là 74%. Nhưng PSG vẫn luôn có cách để tăng doanh thu lên, tức là tăng mẫu số. Chẳng hạn, họ từng kiếm được hợp đồng tài trợ lên tới 120 triệu euro mỗi năm từ Cơ quan Du lịch Qatar, dù họ không phải nhà tài trợ chính như Nike. Với sự xuất hiện của Messi, PSG có thể kiếm thêm một hợp đồng trăm triệu euro nữa từ một cơ quan hay quỹ đầu tư khác của Qatar.
Tóm lại, luật Công bằng Tài chính hiện tại chắc chắn không thể ngăn PSG mạnh tay mua sắm hơn nữa.
Nhân Đạt - Xuân Bình - Cương Nguyễn tổng hợp