Tôi đi khá nhiều nước. Khi đi, ngoài việc chiêm ngưỡng cảnh đẹp thiên nhiên, tôi rất chịu khó gặp gỡ, xông vào tìm hiểu các mối quan hệ cũng như cuộc sống thật sự của con người ở những nơi mình đến. Tính tôi lại bạo dạn, dám xông, dám nói tiếng Anh, sai đúng bất kể, nên có rất nhiều bạn bè: Tây ta đủ cả. Tôi nghĩ mình cũng đủ kiến thức để tự tin “tay bo” về nhiều chủ đề với cả Tây lẫn ta, rồi cố gắng định hình quan điểm của riêng mình một cách có tình có lý. Và vì vậy, tôi muốn chia sẻ một cách có trách nhiệm, cũng như công bằng hơn về đàn ông Tây và đàn ông Việt.
Ta hãy nói về đàn ông Tây trước nhé. Thật ra, cái từ Tây có vẻ được dùng để gọi chung cho người nước ngoài, chứ không chỉ nói đến “Tây thật mắt xanh mũi lõ”. Để nói cho hết lẽ, tôi sẽ chia đàn ông ngoại quốc ra làm 2 đối tượng chính, thông qua nguồn gốc: đàn ông Tây và đàn ông châu Á.
Nói về đàn ông Tây: tôi thấy họ có những ưu điểm sau:
Nhìn chung, các anh Tây (khi còn chưa bị đàn bà châu Á làm hư), nếu đã yêu là họ hết mình: họ tôn thờ, chăm sóc, không tiếc lời khen, và cái làm tôi thích nhất là họ luôn nói ra là họ may mắn lắm mới có được người đàn bà đó. Cái làm cho người đàn bà cảm động hơn nữa là họ luôn luôn tự hào một cách chân thành về người đàn bà của mình trước mặt gia đình và bạn bè. Nếu những người xung quanh chỉ “nho nhe” ý định nhận xét gì không tốt về vợ (bạn gái) của họ thì họ sẽ yêu cầu chấm dứt việc đó ngay.
Có một sự kiện mà tôi không thể nào quên được. Quãng năm 1982, khi tôi mới về làm việc tại sân bay Tân Sơn Nhất. Một hôm, thấy các chị ầm ầm chạy sang nhà ga quốc tế, tôi tò mò nên chạy theo. Thì kia, cảnh thật cảm động: một anh Tây đang ôm chặt cô gái Việt Nam tóc rất dài, với nhan sắc ở mức dưới trung bình. Cả hai cùng khóc, anh chàng Tây vừa khóc vừa lau nước mắt cho cô gái. Khi anh Tây buộc phải đi, anh đi giật lùi để đắm đuối nhìn cô gái. Rồi đột nhiên, anh ta bỏ phịch túi hành lý, chạy trở lại ôm cô gái thêm lần nữa, lau nước mắt cho cô, rồi lại nghẹn ngào quay đi.
Sau trò chuyện với cô gái, tôi mới biết: Chị cô lấy chồng Đức và trong một kỳ nghỉ ở biển tình cờ ngồi cạnh một anh chàng độc thân, cho anh xem hình gia đình mình, trong đó có ảnh của cô em gái với mái tóc dài. Anh chàng kia ngay lập tức mê mệt, tha thiết nhờ cô chị giới thiệu. Thế rồi anh ta lặn lội về Việt Nam, lên tận gia đình cô gái ở Đồng Nai để xin làm quen. Anh chàng ở lại vài tháng, dứt khoát cưới xong mới chịu về. Và hôm đó là ngày anh ta phải về, nếu không mất việc.
Câu chuyện làm trái tim của tất cả đám phụ nữ làm việc tại sân bay Tân Sơn Nhất hồi đó thực sự xao động... Và chúng tôi theo dõi câu chuyện, rồi 6-7 tháng sau, lại được chứng kiến cảnh anh chồng đưa vợ sang Đức khi cô gái đã có bầu chừng vài tháng. Nhìn anh ta cuống quít, kiêu hãnh chăm sóc vợ từng li từng tí, cứ như cô vợ là nữ hoàng, là quả trứng mỏng manh chỉ mạnh tay là vỡ, chúng tôi vừa mừng cho cô, vừa tủi cho phận mình. Còn cô gái vừa e thẹn, nhưng có vẻ vừa thích, trông đẹp hơn rất nhiều so với lần trước. Nhìn cảnh cô gái nép mình bên anh chàng Tây to cao, trái tim chị em ai cũng thổn thức.
Ở các nước phát triển, họ quan niệm: không có hạnh phúc nào là tự đến. Nếu anh muốn có hạnh phúc, thì phải tự tay xây đắp. Họ sẽ phải suy nghĩ rất kỹ trước khi ra các quyết định quan trọng về gia đình. Cặp bồ với nhau là bình thường, nhưng sống chung là chuyện nghiêm túc. Đó là thời gian họ sống thử cùng nhau, để xem có hợp, có thể mang lại hạnh phúc cho nhau không. Cái thời gian “sống thử” này có thể kéo dài đến khi họ có vài đứa con. Lấy nhau (tức đăng ký kết hôn) là việc họ suy xét cực kỳ kỹ lưỡng trước khi quyết định. Họ có thể tham khảo ý kiến gia đình, bạn bè, nhưng chủ yếu là tự suy xét, tự ra quyết định. Họ biết họ phải tự chịu trách nhiệm (về cả tình cảm và pháp lý lâu dài) về quyết định đó. Ở bên Tây, bỏ nhau là cả một vấn đề lớn, nhất là khi luật pháp của họ thực sự bảo vệ phụ nữ. Và hầu như khi đã bỏ nhau, thì người đàn ông thiệt thòi về mặt kinh tế.
Nói về các anh quốc tịch Á: Có lẽ cái văn hóa gia trưởng là điển hình của nếp sống châu Á. Tôi ít khi chứng kiến các anh Á cư xử với vợ được như anh Tây. Còn một yếu tố nữa có thể là: người Tây họ tự do thể hiện tình cảm yêu ghét, còn người Á dè dặt hơn nhiều, nhất là đàn ông. Vì họ không quen, trước đây vì không được cho phép, rồi khi được phép thì không được ai dạy cách thể hiện. Mà đã không quen, thì khi làm cảm thấy ngượng, thấy chướng... cũng là điều dễ hiểu.
Bây giờ đến các anh Việt Nam, từ khi còn bé, các anh được dạy những điều gì:
- Xã hội dạy một cách khá chính thống: đã là con trai, thì phải có chí “làm việc lớn”, việc nhỏ là việc đàn bà, còn “việc lớn” là những việc gì - khó ai định nghĩa được. Cả một xã hội, dù là vô tình hay cố ý, đều cổ súy cho “cái sĩ, cái oai” của người đàn ông.
- Trong gia đình: không biết tôi có nói ngoa hay không, nhưng liệu có bao nhiêu phần trăm các ông bố bà mẹ chủ tâm dạy con trai sau này phải yêu thương và tôn trọng người yêu hoặc vợ mình? Ngược lại, họ dạy con chữ hiếu phải là tuyệt đối, là cái cao nhất về đạo đức, chứ không phải là trách nhiệm với gia đình riêng, với vợ con. Nhiều bà mẹ có những mong ước khác hẳn cho con gái và con dâu: trong khi mong con rể chiều chuộng, giúp đỡ vợ (là con gái mình), thì thấy ngứa mắt, thậm chí dằn vặt, giận dỗi... khi thấy con trai đối xử tương tự với vợ nó.
Khi tôi và anh bạn trai (người Việt) tranh cãi về chuyện chồng đàn ông Tây, đàn ông ta, chàng quật lại thế này: “Vậy ai tạo nên những người đàn ông đó, dạy dỗ để họ trở thành 'made in Việt Nam' như vậy? Có phải chủ yếu là các bà mẹ? Nếu cậu có con trai, liệu cậu có đủ lòng vị tha, tình yêu thương để dạy nó về trách nhiệm đối với vợ sau này?”. Tôi im bặt, cảm thấy hơi sượng mặt và đắng họng. Ừ nhỉ? Chính những người vợ, những cô gái đang đòi hỏi chồng, người yêu, bạn trai... đối xử với mình như các anh Tây đối với vợ (bạn gái), có bao giờ tự hỏi: “Vậy mình thì sao, mình có thực sự mong muốn cho con trai hạnh phúc và đem hạnh phúc đến cho người vợ tương lai của nó? Liệu mình có ghen tức, tủi thân, thậm chí bỏ ăn, giả ốm rồi thành ốm thật, khi con trai quan tâm chiều chuộng vợ hơn mẹ?”.
Vai trò chính của giáo dục để có một thế hệ đàn ông “made in Viet Nam” biết cách hành xử như Tây, để cho vợ họ đựợc hạnh phúc, được hài lòng - nằm trong tay chính chúng ta - những người mẹ vĩ đại đấy các bạn ạ.
Còn với các anh đã định hình tính cách, xin hãy tự thay đổi, nếu các anh muốn có hạnh phúc với người phụ nữ mà anh thực sự yêu thương. Còn nếu các anh cứ hy vọng là hạnh phúc luôn quanh đây - sẽ có một ngày nào đó, nó vụt bay đi, để rồi các anh có thể phải tiếc nuối cả đời. Các anh có thể chưa biết rằng: trong cái siêu thị (hoặc nói rộng ra là thị trường) "làm vợ", thì phụ nữ Việt Nam thuộc loại rất đắt hàng, vì những giá trị họ có thật sự là niềm mong ước của các anh Tây.
Với chúng ta, chị em phụ nữ, hãy xác định thật rõ là cần phải đi tìm hạnh phúc, chứ không tìm một người chồng chỉ để cho có chồng, làm vừa lòng bố mẹ, hoặc cho thiên hạ khỏi đàm tiếu. Cũng đừng bao giờ cho phép “con tim luôn dẫn đường”, mà phải có đủ bản lĩnh và trí tuệ để lựa chọn.
Tôi vẫn thường xuyên tâm sự với con gái rằng: đừng bao giờ để mình bị “sét đánh”, đừng bao giờ quyết định lấy chồng hoặc chung sống với ai chỉ vì tất cả mọi người xung quanh làm vậy. Thậm chí tôi còn nói, khi đi siêu thị mua một món đồ, mình săm soi xem chất lượng, giá cả, chọn đi chọn lại, thậm chí đi nhiều cửa hàng để chọn thứ vừa ý. Vậy mà với một việc quan trọng nhất trong cuộc đời, thì nhiều cô gái coi nhẹ hơn là mua một món đồ? Vì vậy, đừng bao giờ tự bào mòn, rồi đem bất hạnh cho chính mình, khi quyết định chung sống với một người đàn ông không xứng đáng. Còn khi đã lỡ chọn nhầm, thì hãy can đảm ngẩng cao đầu mà rời xa, để đi tìm hạnh phúc cho mình. Ở đâu cũng có đàn ông tốt và xứng đáng, cái chính là mình có đủ bản lĩnh để lựa chọn, và tự ra quyết định cho cuộc đời mình.
Trần Bích Hà