Ngày 28/2/2021, Kengo Suzuki, 25 tuổi, trở thành người Nhật Bản đầu tiên chạy 42 km với thành tích 2:04:56 (2 giờ, 4 phút, 56 giây) và lên ngôi vô địch Marathon Biwa Mainichi. Chưa dừng lại ở đó, anh cùng với các chân chạy Nhật Bản khác đã lập một kỷ lục vô tiền khoáng hậu.
Trong số 335 chân chạy người Nhật dự giải hôm đó, có 5 người đạt mốc 2:07, 15 đạt mốc 2:08, 28 đạt mốc 2:09, 42 đạt mốc 2:10 và có tới 174 người phá vỡ mốc 2:20.
Để thấy kết quả này gây ấn tượng thế nào có thể đối chiếu sang con số 21 vận động viên người Mỹ đạt mốc 2:10 trong tất cả các cuộc thi marathon cộng lại. Ở Việt Nam, chưa có ai chạm tới mốc 2:20. Kỷ lục quốc gia cự ly full marathon cho tới năm 2021 là 2:21:51, được lập bởi Nguyễn Chí Đông, SEA Games 2003. Kết quả tốt nhất đến nay tại các giải phong trào là 2:26:55, do Hoàng Nguyên Thanh nắm giữ.
Nếu muốn tìm động lực luyện tập mỗi ngày, runner đăng ký V-Race tại đây. Giải đang có trên 5.000 người tham gia. Cổng đăng ký mở đến 28/4.
Vẫn biết Nhật Bản là cường quốc thể thao ở châu Á, nhưng xét về các chỉ số thể chất, vận động viên đất nước mặt trời mọc không có lợi thế so với Kenya hay Ethiopia. Vậy điều gì đem đến sự đột phá trong phong trào marathon tại đây.
Lịch sử marathon lâu đời
Chạy đường dài tới Nhật Bản từ sau Olympic Stockholm 1912 với tên gọi Ekiden (chạy tiếp sức đường dài). Giải được tổ chức đầu tiên năm 1917 nhằm kỉ niệm 50 năm Nhật Bản dời đô về Tokyo. Trong 3 ngày, các vận động phải chạy tiếp sức nhau từ cố đô Kyoto về Tokyo với quãng đường dài 508 km. Ba năm sau, giải Ekiden Hakone được thành lập bởi Kanakuri với mục đích đào tạo các nhân tài chạy bộ của Nhật Bản để cạnh tranh trên đấu trường quốc tế.
Sau thế chiến thứ hai, Chính phủ nước này tổ chức lại các cuộc đua Ekiden và giải marathon. Nhanh chóng sau đó, phong trào marathon bùng nổ. Trong khi các nước phương Tây chỉ thực sự quan tâm đến chạy từ thập kỷ 70, còn ở châu Phi là cuối năm 80. Năm 1965, ngôi đầu ở 10 trên 11 giải marathon hàng đầu thế giới bị các nam vận động viên người Nhật chiếm lĩnh. Một năm sau, con số này là 15 trên 17 giải. Thống kê này chẳng khác gì thành tích của các chân chạy Kenya hiện nay.
Xét trên bình diện chung thì bóng chày vẫn được quan tâm hơn, nhưng nếu xét về một sự kiện thể thao, thì giải Hakone Ekiden (cuộc đua lâu đời nhất) là số một. Thậm chí với nhiều vận động viên người Nhật, việc có mặt trong đội giành chiến thắng giải Hakone Ekiden còn hạnh phúc hơn cả giành huy chương Olympic.
Đến Marathon Tokyo 2020, mặc dù giải bị hủy do dịch bệnh nhưng phần thi đấu giữa các VĐV elite vẫn diễn ra và người hâm mộ đã đổ ra đường bất chấp lệnh hạn chế tiếp xúc. Dưới đường đua, những vận động viên top đầu được chào đón như minh tinh màn bạc.
Tuy chức vô địch thuộc về VĐV người Ethiopia Birhane Legese (2:04:15), các chân chạy bản địa vẫn góp mặt ở 4 trên 10 vị trí đầu bảng. 19 VĐV Nhật có thành tích dưới 2:10 và 29 người với thành tích dưới 2:15. Không có giải chạy quốc tế nào ghi nhận sự thống trị của những chân chạy bản địa như vậy.
Hướng đến Olympic Tokyo
Một đòn bẩy khác khiến thành tích marathon của người Nhật ngày càng đi lên là Thế vận hội Tokyo 2020. Theo lịch cũ, Olypic sẽ diễn ra vào mùa hè, nhưng Covid-19 đã phá hỏng tất cả. Kế hoạch tổ chức bù vào năm 2021 cũng có nguy cơ bị huỷ nếu tình hình dịch bệnh tại Nhật Bản không khả quan.
Tuy vậy, tầm nhìn dài hạn từ nhiều năm trước của Liên đoàn Điền kinh cũng như Uỷ ban Olympic nước này mới là liều "doping", thúc đẩy các chân chạy cải thiện thành tích. Nhật Bản tính toán rằng, hạng mục marathon sẽ là môn tranh chấp huy chương nên gây nhiều sức ép nhằm chuyển sự tập trung từ các giải Ekiden sang marathon. Các vận động viên chuyên nghiệp thay vì tập luyện và thi đấu cho Ekiden theo yêu cầu của công ty quản lý thì nay có nhiều thời gian tự do hơn để tập luyện 42 km.
Nhật Bản còn mạnh tay chi tiền ngay khi Tokyo giành quyền đăng cai, đáng chú ý nhất là chương trình Exceed. Đây là chương trình tiền thưởng do Liên đoàn tài trợ, với số tiền gần một triệu USD cho mỗi kỷ lục quốc gia mới, gần 100.000 USD cho mốc 2:06 và 50.000 USD cho mốc 2:07. Vận động viên nữ cũng có cơ chế tiền thưởng tương tự.
Nhờ đó, các công ty không chuyên về thể thao cũng đầu tư mạnh tay cho nhân viên để lọt vào đội tuyển Olympic. Điển hình là đội chạy của công ty Asahi Kasei được lặp đặt phòng tập oxy loãng, áp suất thấp lớn nhất thế giới tại sân nhà của họ ở Nobeoka.
Vậy là một làn sóng các VĐV thành tích cao được sinh ra. Đầu tiên, Yuta Shitara phá kỷ lục quốc gia 2:06:11 ở Tokyo 2018; Suguru Osako tiếp tục phá vỡ kỷ lục này với 2:05:50 ở Chicago cùng năm. Trong số sáu giải marathon danh giá Abbott World Marathon Majors năm 2018, bốn giải đấu có sự góp mặt của các VĐV Nhật Bản. Thành tích chung cuộc bao gồm: HCB ở Tokyo, HCV ở Boston, hạng 4 ở Berlin (trong cuộc đua đã lập kỷ lục thế giới) và HCĐ ở Chicago.
Nghề chạy bộ
Chạy bộ rất được ưa chuộng ở Nhật nên những vận động viên hàng đầu thường ưu tiên tham dự giải trong nước hơn là quốc tế. Không chỉ giải Tokyo mà các giải như Fukuoka, Lake Biwa, Osaka... cũng có quy mô và chất lượng tầm cỡ thế giới. Điểm đặc biệt là các vận động viên đều chạy theo dạng chuyên nghiệp cho một công ty nào đó. Doanh nghiệp Nhật cũng lập ra các đội chạy để nhân viên giật giải và đem về sự hãnh diện.
Nhật Bản hiện có khoảng 60 đội chạy bộ chuyên nghiệp thuộc các công ty, 30 đội nam và 30 đội nữ. Mỗi đội có khoảng 20 vận động viên, được trả lương toàn thời gian. Có nghĩa là Nhật Bản có khoảng 1.200 vận động viên sống nhờ nghề chạy. Khi sự nghiệp chạy kết thúc, họ có thể tiếp tục làm việc ở công ty với công việc văn phòng nếu muốn với mức thu nhập khá.
Thậm chí, có công ty còn luân chuyển các vận động viên này qua nhiều bộ phận khác nhau để tất cả nhân viên đều có cơ hội được gặp gỡ họ. Điều này tạo ra văn hoá "hãnh diện", cảm giác gắn bó giữa nhân viên với đội chạy.
Vận động viên chạy bộ chuyên nghiệp ở đất nước mặt trời mọc nhận khoảng 35.000 USD trở lên mỗi năm, tùy thuộc vào thành tích. Cá biệt nhóm elite nhận lương lên những 6 chữ số. Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng có hệ thống giải thưởng riêng biệt cho các vận động viên nước này, và thường lớn gấp nhiều lần giải cho vận động viên nước ngoài.
Điển hình là tại Tokyo Marathon 2020, Suguru Osako lập kỷ lục quốc gia mới và giành một triệu USD dù chỉ về thứ 4. Nếu tính cả giải phụ và hiện vật, Suguru Osako thu về 1,7 triệu USD. Trong khi người về nhất Boston Marathon - giải danh giá và có câu cấu giải thưởng lớn nhất thế giới cũng chỉ dành 150.000 USD.
Đất nước yêu chạy
Không chỉ thần tượng những vận động viên vô địch, người dân Nhật Bản cũng chạy bộ như một lối sinh hoạt hàng ngày. Môn thể thao này từ sau thế chiến thứ 2 được xem như hoạt động mang đậm tinh thần kỉ luật Nhật cũng như phản ánh nỗ lực của toàn thể nhân dân trong quá trình xây dựng đất nước. Số lượng vận động viên nghiệp dư trong những thập niên gần đây tang chóng mặt.
Từ năm 2005 đến 2010, số lượng chân chạy người Nhật tăng từ 100.000 lên 600.000. Có khoảng 322.000 người đăng kí tham dự giải Tokyo Marathon 2019 trong khi chỉ có 35.000 suất chính thức. Nhu cầu chạy tăng vọt dẫn đến ngày càng có nhiều giải được tổ chức với quy mô phình to.
Số lượng nữ vận động viên vì thế ngày một tăng. Nhưng điều này không đáng ngạc nhiên khi Nhật Bản liên tục giành HCV nội dung marathon nữ ở Sydney và Athen Olympics.
Thủ đô Tokyo được coi là "thiên đường của dân chạy bộ" với tâm điểm công viên Yoyogi. Để đến được công viên, runner phải chạy khoảng 1,6 km qua khu dân cư đông đúc với nhiều đèn đỏ và người đi đường. Công viên có 3 vòng chạy chính, mỗi vòng dài 1,2 km giữa công viên, một vòng lớn hơn dài khoảng 2,5 km, và một cung bán trail với địa hình đất xốp ở rìa công viên dài 3 km.
Một cung chạy ưa thích nữa của cộng đồng ở đây là vòng chạy 5 km bao quanh thủ phủ hoàng gia Tokyo. Không chỉ có nhiều cung đường thuận tiện cho việc tập luyện, nếu muốn cải thiện thành tích runner có thể tập chung với vô số vận động viên elite ở đây.
Thành Dương (tổng hợp)
Tại Việt Nam, người yêu chạy bộ có thể lựa chọn tham gia các giải do VnExpress tổ chức.
VnExpress Marathon Quy Nhơn diễn ra vào 6/6, mùa cao điểm của du lịch Quy Nhơn - Phú Yên. Các vận động viên có thể kết hợp dự giải với chạy bộ và du lịch cùng gia đình, người thân. Hàng chục nghìn người đã đến thành phố biển miền Trung này trong khoảng thời gian tổ chức giải.
VnExpress Marathon Amazing Halong diễn ra ngày 1/8, tại thành phố du lịch Hạ Long, Quảng Ninh. Lần đầu tổ chức tại thành phố biển, giải hứa hẹn mang đến những trải nghiệm mới lạ cho vận động viên cả nước.
VnExpress Marathon Marvelous Nha Trang sẽ diễn ra vào ngày 19/9 tại Nha Trang, là sự kiện marathon lớn nhất của thành phố từ trước đến nay. Giải đặt mục tiêu thu hút từ 6.000 vận động viên, quy tụ các chân chạy, câu lạc bộ khắp cả nước.
VnExpress Marathon Hanoi Midnight khởi tranh lúc nửa đêm ngày 20/11, trong cái lạnh đầu đông đặc trưng của Thủ đô. Những địa danh lịch sử và con đường nổi tiếng sẽ hiện ra dưới bước chạy của vận động viên.