Chúng ta ai cũng biết một vài người "vắt cổ chày ra nước". Họ sẽ nhúng lại túi trà tới 3 lần, ăn nhờ thức ăn vặt của đồng nghiệp trong tủ lạnh và dành vài giờ thu thập các voucher giảm giá. Về lý thuyết, đáng lẽ họ phải rất giàu có với kiểu nhịn ăn nhịn tiêu như vậy. Nhưng thực tế lại khác, theo Asiaone.
Chẳng hạn, bạn nói mình kiếm được 2.500 USD một tháng sau thuế. Bạn thường tiêu 1.500 USD cho các khoản cần thiết và để dành được 1.000 USD. Sau nhiều năm tháng thắt lưng buộc bụng, bạn cố gắng giảm tiêu xuống còn 1.400 USD và còn 1.100 USD để dành. Thu nhập của bạn tăng lên chứ? Không, bởi vì nó vẫn giữ nguyên ở mức 2.500 USD.
Cho dù bạn có tiếp tục thắt chặt chi tiêu trong 20 năm, thì bạn cũng không thực sự thay đổi được điều gì - cuộc sống của bạn không có biến chuyển đáng kể bởi thu nhập của bạn không tăng.
Những lý do dưới đây cho thấy rõ hơn vì sao người keo kiệt khó giàu:
1. Bạn tự giới hạn ở một mức tài chính
Nếu bạn cố dè sẻn, một tháng hoàn toàn có thể dành dụm thêm được được 200 hay 300 USD với mức thu nhập 2.500 USD. Bạn sẽ chỉ mua đồ cũ, hàng giảm giá... Việc này có thể tạo ra một ảo tưởng - bạn đang tiết kiệm được nhiều hơn mức chi tiêu. Nhưng hãy xem xét các hạn chế không thể tránh khỏi.
Trong phần lớn đời mình, khi cần thứ gì đó đắt tiền, bạn lại dè sẻn và tiết kiệm thêm chứ không bao giờ tăng thu nhập. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu ngày nào đó bạn cần tới khoản tiền lớn để con đi học hay khi bố mẹ già phải vào viện? Làm cách nào mà khoản tài chính ky cóp kia có thể giúp bạn?
Ở vài thời điểm, bạn giảm chi tiêu tới mức tối thiểu (chỉ dùng cho thực phẩm và nơi ở) và chẳng còn gì để dè sẻn nữa. Rõ ràng có kỷ luật để tiết kiệm là tốt nhưng như vậy là không đủ. Bạn còn cần tăng thu nhập mới có thể đảm bảo được tài chính.
2. Bạn thường phải chịu những khó khăn không đáng
Để tiết kiệm được vài triệu một tháng, bạn phải: từ bỏ việc đi xem phim mỗi cuối tuần, đáng lẽ chi 5 USD một bữa ăn thì giờ chỉ chi 3 USD, không dám đi taxi những hôm mưa, từ bỏ việc mua mỗi tháng một bộ đồ...
Bây giờ hãy xem xét các thiếu thốn trên so với việc giúp ai đó sơn một bức tường trong phòng khách hay xây dựng trang mạng riêng. Các hoạt động đó có thể giúp bạn kiếm thêm được chục USD mỗi tuần mà không phải "hy sinh" các nhu cầu khác.
Đôi khi, bạn có thể tránh cho mình nhiều thiệt thòi bằng cách thoát ra khỏi thói quen dè sẻn và cố gắng tăng nguồn thu.
3. Bạn hay phí thời gian - thứ còn giá trị hơn cả tiền bạc
Thời gian luôn đáng quý hơn tiền bạc. Luôn có cơ hội kiếm thêm tiền nhưng mất thời gian thì không thể lấy lại. Tốt hơn là chúng ta nên dành thời gian có thể với con cái trước khi trẻ trưởng thành, với bạn bè trước khi họ rời xa và với bố mẹ, ông bà trước khi họ ra đi mãi mãi. Nhưng khi quá keo kiệt, thời gian thường bị lãng phí vào những thứ dè sẻn không cần thiết.
Một vài người dành cả tiếng mỗi ngày chỉ để săn các đồ hay voucher giảm giá. Bạn có nghĩ đến giá trị của việc này? Một tiếng mỗi ngày sẽ là 30 tiếng một tháng. 30 tiếng đủ để một gia đình tụ tập với nhau được 5-6 lần, xem 15 bộ phim, đi dã ngoại một chuyến. Thời gian đó cũng đủ để học bài cơ bản về một nhạc cụ mới, tập thể dục...
Những khoảng thời gian nhỏ, như một tiếng mỗi ngày, có thể tạo sự khác biệt đáng kể trong cuộc đời chúng ta.
Khi bạn cố đi tìm một quán ăn rẻ tiền, bạn có thể sẽ phải đi bộ qua hai tòa nhà để tiết kiệm được mấy USD cho suất cơm gà hay kêu ca với công ty viễn thông vài tiếng để giảm giá hóa đơn tiền điện thoại, thì bạn đang lãng phí thời gian quý giá cho những thứ không đáng.
Ngày nay, rất dễ dàng để so sánh giá các mặt hàng tạp hóa hay kể cả tỷ lệ lãi từ khoản vay hay gửi ở ngân hàng. Nhưng điều quan trọng là bạn phải hiểu được thời gian mình bỏ ra để so đo có đáng?
Đừng nên so sánh một giờ vui chơi với con cái hay người bạn yêu thương với việc săn một voucher giảm giá 20%.
Có hai điều chúng ta có thể thay đổi:
Đầu tiên, đừng chỉ dựa vào khoản tiền tiết kiệm. Bạn cũng cần tập trung vào việc tăng thu nhập. Cố gắng tìm được nguồn thu khác hay học cách đầu tư. Việc đó khó nhưng có thể làm được. Chỉ biết dè sẻn cũng giống như có một chiếc xe hơi mà không biết đích đến.
Thứ hai, biết giá trị thời gian của mình. Hãy xem xét bao nhiêu thời gian bạn làm việc và số tiền tương ứng kiếm được. Nếu bạn làm việc 45 tiếng một tuần và kiếm được 67 USD, thời gian của bạn trị giá ít nhất là 1,5 USD một tiếng. Vậy rõ ràng chẳng đáng khi bạn dành hai tiếng để tìm kiếm, so sánh trên mạng chỉ để mua được món đồ rẻ hơn 0,5 USD.
Xem thêm: Khác biệt giữa người tiết kiệm và người bần tiện
Vương Linh