Trải qua bốn mùa, bộ phim "Succession" của đài HBO đã mang đến cho người xem một cái nhìn thoáng qua (dù là hư cấu) về lối sống của những người giàu nhất nước Mỹ. Qua cách tạo hình, người xem thấy rõ sự khác biệt nhất giữa các tỷ phú với triệu phú.
Để có thể lột tả sự chính xác đến từng chi tiết, nhà sản xuất phải nhờ đến sự tư vấn của các chuyên gia chuyên phục vụ giới siêu giàu. Trong phim, nhân vật Shiv Roy thừa sức mua bất kỳ chiếc váy thời trang cao cấp nào nhưng cô con gái tỷ phú luôn xuất hiện với áo cổ lọ đen trơn, áo sơ mi màu be kết hợp với quần tây tối màu. Các sản phẩm này đều được làm từ chất liệu tốt nhất nhưng phải theo phong cách không nổi bật.
Colleen Morris-Glennon, nhà thiết kế trang phục cho phim truyền hình Industry mô tả về cuộc sống của giới siêu giàu, từng chia sẻ với tạp chí Vogue của Anh: "Ai đó càng giàu càng khó phát hiện trong đám đông. Người cuối cùng bạn nghĩ đến mới đích thị là tỷ phú".
Hay trong phim Tár do Cate Blanchett thủ vai, tủ đồ của nhân vật chính toàn những món đồ theo xu hướng stealth-luxe (sang trọng lén lút).
Trong một cuộc phỏng vấn, nhà thiết kế trang phục cho bộ phim Bina Daigeler nói: "Tôi muốn làm những bộ trang phục ít bị để ý. Nhưng chính sự tinh tế của nhân vật đã biến cô ấy trở thành biểu tượng thời trang".
Mới nhất, trong lần hầu tòa về bê bối hồi tháng 3, nữ diễn viên Gwyneth Paltrow trở thành tâm điểm của sự chú ý khi thể hiện phong cách quý cô tỷ phú với trang phục đơn sắc. Nhiều món đồ được trưng diện không có logo khiến không ít người phải mò đoán về nhãn hiệu, giá tiền.
Tiến sĩ Carolyn Mair, nhà tư vấn kinh doanh thời trang, nhận định khái niệm quiet luxury (giàu có thầm lặng) đang dần trở thành trào lưu. Nhưng khái niệm về "sự giàu có tàng hình" không phải mới.
"Thuật ngữ tiêu dùng phô trương từng được nhà xã hội học người Mỹ Thorsten Weblen ghi lại trong cuốn sách xuất bản năm 1899. Theo đó, Weblen mô tả đó là 'hành động phô trương sự giàu có để đạt được địa vị và danh tiếng trong xã hội', dễ nhìn thấy ở tầng lớp lắm tiền mới nổi, muốn khẳng định mình", Mair nói.
Nhưng nhóm siêu giàu lại cho rằng "nếu giàu có không cần phải phô trương".
"Ẩn ý đằng sau của khái niệm giàu có tàng hình là được mua những món đồ không được đánh giá cao về vẻ bề ngoài, độ hiếm, nhưng chỉ người có hiểu biết hoặc cùng địa vị mới nhận ra giá trị của món hàng. Chúng giống như bí mật nội bộ", chuyên gia nói.
Giờ đây sự giàu có thầm lặng không còn là phong cách sống của một số người. Tạp chí Vogue mô tả xu hướng này "có nhiều ý nghĩa hơn" và dần trở nên phổ biến. Trên TikTok, các hastag #stealthluxe đang thu hút hàng triệu lượt xem, nhiều nhà sáng tạo mẫu thời trang chia sẻ cách để có được vẻ ngoài "giàu có tàng hình" với chi phí thấp.
Tuy nhiên đây không phải là lần đầu trào lưu sang trọng nhưng kín đáo thống trị thời trang. Hiện tượng này từng đứng đầu đường đua xu hướng vào năm 2008, khi cuộc Đại suy thoát diễn ra, thể hiện cách phản ứng của con người trước tình trạng hỗn loạn của nền kinh tế toàn cầu.
Lorna Hall, giám đốc mảng trí tuệ thời trang tại cơ quan dự báo xu hướng toàn cầu WGSN, nói rằng nhận định trên có phần đúng. "Thời trang đôi khi có thể thiếu nhạy cảm, nhưng chúng vẫn hòa hợp sâu sắc với các động lực xã hội", cô nói.
Lý giải về sự thay đổi, chuyên gia cho rằng việc chọn mặc đồ tối giản có thể liên quan đến nguồn thu nhập bị thu hẹp. Nguồn gốc sâu xa có thể ảnh hưởng từ cuộc suy thoái kinh tế tiềm ẩn, sự chú trọng tính bền vững và tiêu dùng có ý thức hơn.
"Khi một bộ phận lớn dân số đang phải vật lộn để sưởi ấm ngôi nhà thì phô trương những biểu hiện cực đoan của sự giàu có chẳng thể hiện gì ngoại sự cô cảm", Hall nói.
Sean Monahan, người sáng lập công ty tư vấn 8Ball, cho rằng đại dịch có thể góp phần khơi gợi mong muốn mặc quần áo thông minh hơn của nhiều người. "Nhưng nếu đó là về việc tiêu dùng có ý thức và sử dụng tiền vào những thứ tồn tại lâu dài, đây là điều chúng ta nên học hỏi và hướng đến", Monahan nói.
Riêng với việc người giàu diện đồ xa xỉ có logo, Hall nghĩ rằng sẽ sớm thấy chúng trở lại, chỉ là vấn đề thời gian. "Tôi nghĩ xu hướng ăn mặc của người giàu giống như nhịp dao động của con lắc. Chúng ta đang thấy sự từ chối diện đồ phô trương, nhưng thời trang luôn là sự quay vòng", giám đốc mảng trí tuệ thời trang, nhận định.
Minh Phương (Theo BBC)