Trong thời kỳ cao điểm của đại dịch Covid-19, hầu hết nhãn hàng cao cấp yêu cầu người dân "mua sắm theo lịch hẹn", để giãn cách xã hội. Nhưng khi các hạn chế phòng dịch đã được gỡ bỏ hoàn toàn, nhiều cửa hàng vẫn áp đặt chính sách trên.
Các thương hiệu lớn như Louis Vuitton, Chanel, Cartier không giải thích về việc để khách xếp hàng dài trước cửa và phải trả lời câu hỏi từ nhân viên trước khi vào mua sắm.
"Chúng tôi khuyến cáo người mua đặt lịch hẹn trước để tránh phải chờ đợi", Cartier viết trên website và không giải thích gì thêm.
Theo chuyên gia, nạn cướp từ các cửa hàng đồ hiệu trên toàn nước Mỹ, bao gồm ở New York, Chicago, Miami, San Franciso và Seattle, có thể là nguyên nhân.
Năm ngoái, vấn nạn này tồi tệ đến mức chính quyền TP Beverly Hills phải thuê hai công ty an ninh tư nhân tuần tra khu giải trí và thời trang xa xỉ Rodeo Driver.
Hồi tháng 2, cửa hàng Louis Vuitton tại trung tâm mua sắm Westchester Mall, New York bị cướp tấn công. Từ đó, nơi này chỉ mở hé cửa cùng thông báo "khách phải xếp hàng chờ mua sắm". Tại nơi xếp hàng, bốn bảo vệ có thể kiểm tra bất cứ ai, trước khi vào vòng trong và được các nhân viên dẫn đi lựa chọn sản phẩm.
Nhưng Steve Dennis, nhà tư vấn bán lẻ tại Dallas, lại cho rằng nguyên nhân không phải vậy. Đây thực chất là một chiêu làm thương hiệu. Họ gây khó khăn với người mua vì muốn "tạo cảm giác độc quyền". "Hầu hết các cửa hàng này đều không đông khách. Các hàng dài đợi mua sắm có thể thấy ở Texas – nơi người dân không quan tâm về Covid-19", ông nói thêm.
Tuần trước, giám đốc điều hành của Chanel gây xôn xao khi tiết lộ kế hoạch mở các cửa hàng độc quyền ở châu Á, dành cho khách VIP. Công ty đang tuyển dụng 3.500 nhân viên mới cho sáng kiến này.
Giám đốc tài chính Philippe Blondiaux của Chanel, nói với tờ Business of Fashion: "Mối bận tâm lớn nhất của chúng tôi là bảo vệ khách hàng, đặc biệt là khách quen. Chúng tôi sẽ đầu tư vào vấn đề an ninh với mong muốn phục vụ theo cách riêng".
"Nhưng cuối cùng thì Chanel muốn bảo vệ khách hàng khỏi điều gì?", blog thời trang Highsnobiety đặt câu hỏi.
Nhà tư vấn bán lẻ hàng cao cấp Melanie Holland suy đoán, có thể Chanel muốn ngăn chặn việc khách hàng giàu có trở thành mục tiêu cho kẻ cướp. Dù những người chi tiêu mạnh tay ít đi dạo trên phố.
Trước đó, các cửa hàng trên đại lộ Madison ở Upper East Side thuộc quận Manhattan như Chanel, Prada và Carolina Herrera cũng tắt đèn, đóng cửa và chỉ mở theo lịch hẹn trước để ngăn tình trạng bạo loạn hoặc cướp bóc.
"Sau những vụ việc này, các nhà bán lẻ có quyền nghi ngờ những người bước vào cửa hàng", Susan Scafidi, người sáng lập và giám đốc của Học viện Luật thời trang, Trường Luật Fordham, nói và nhấn mạnh những ngày tháng vào cửa tự do đã kết thúc.
Minh Phương (Theo NyPost)