Ban đầu, James tưởng người bạn trêu mình nên chỉ phì cười, đẩy tay của bạn ra nhưng sự đụng chạm vẫn tiếp diễn. James kể khi ấy bắt đầu cảm thấy khó chịu và nghĩ tới việc to tiếng quát người bạn hoặc bỏ đi. Vì không muốn phá vỡ không gian yên tĩnh của thư viện, cậu chỉ biết cố đẩy tay của bạn ra.
Sau khi 10-15 phút trôi qua và 5-6 lần đẩy tay như vậy, James mới được người bạn thân để yên. Thiếu niên khi ấy 17 tuổi không ngờ mình trở thành nạn nhân bị dâm ô nên không báo cáo với thầy giáo hoặc cảnh sát.
Hiện ở tuổi 26, James nói không công khai sự việc vì "không cảm thấy bị xâm hại" và cũng không hiểu mục đích của việc báo cảnh sát để làm gì.
Trường hợp của James không phải là hiếm gặp khi nạn nhân của hành vi dâm ô là nam giới. Theo các chuyên gia ở Singapore, nam giới sẽ cảm thấy khó khăn hơn nữ giới khi muốn lên tiếng về những gì phải trải qua.
Định kiến về giới trong trường hợp nam giới bị lạm dụng tình dục có thể khiến đàn ông e sợ hậu quả của việc báo cảnh sát hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ. Họ sợ người đối diện sẽ phản ứng với những câu nói như "Đàn ông mà cũng gặp chuyện này à?", "Lẽ ra anh có thể ngăn chặn được chuyện này".
Nạn nhân nam giới sẽ thường cảm thấy xấu hổ và tội lỗi vì cho rằng là lỗi của mình khi đã cư xử "thiếu đàn ông", từ đó "thu hút" hoặc không ngăn chặn được hành vi lạm dụng.
Theo chuyên gia tâm lý học, nhiều nam giới thường không hiểu rằng cơ thể vẫn có thể phản ứng trước kích thích tình dục kể cả trong trường hợp họ không muốn. Với niềm tin như vậy, nạn nhân nam ngộ nhận rằng nếu cơ thể bị kích thích khi bị xâm hại nghĩa là bản thân mình muốn hoặc thích thú khi điều đó xảy ra, từ đó cho rằng bản thân có lỗi.
Ngoài ra, chuyên gia cho rằng xã hội Singapore hiện tại vẫn còn chưa cho phép nam giới có thể tự do biểu đạt cảm xúc, thậm chí còn chế giễu nếu họ làm vậy nên nếu bị dâm ô, nạn nhân nam thường rất khó để tìm kiếm sự giúp đỡ. Theo Trung tâm Chăm sóc Tấn công Tình dục (Singapore), những trường hợp nam giới tìm tới tổ chức này thường chưa chia sẻ chuyện bị xâm hại với bất cứ ai khác, hơn nữa cứ 10 người tới đây thì tới 7 người (cả nam và nữ) đều không báo tin cho nhà chức trách.
Một cán bộ công tác xã hội còn cho biết nhiều nạn nhân nam do dự, sợ rằng không ai tin mình vì trong đa số trường hợp, kẻ thực hiện hành vi dâm ô cũng là nam giới. Các nạn nhân sợ rằng sẽ bị coi là người đồng tính hoặc "thiếu đàn ông", còn nạn nhân đồng tính lo lắng sẽ bị "vạch mặt" hoặc đổ lỗi.
Cũng theo cán bộ này, yếu tố giáo dục giới tính không đầy đủ cũng khiến nạn nhân không biết liên hệ với nhà chức trách như thế nào, hoặc thậm chí không biết việc một người đàn ông sàm sỡ người đàn ông khác cũng có thể vi phạm pháp luật (vì nhiều bài học đều thường chỉ đề cập tới nạn nhân là nữ).
Dù gặp nhiều khó khăn như vậy, nhưng theo cảnh sát Singapore, số vụ phạm tội Xâm hại phẩm giá có nạn nhân là nam giới có xu hướng tăng dần từ 73 vụ vào năm 2009 tới 125 vụ vào năm 2018.
Số liệu của Trung tâm Chăm sóc Tấn công Tình dục cũng cho thấy xu hướng tương tự. Năm 2018, số lượng nam giới tới tổ chức này xin tư vấn tâm lý sau khi bị quấy rối tình dục là 14 vụ, tăng từ 6-7 vụ so với hai năm trước.
Theo Anisha Joseph, Chủ tịch Trung tâm Chăm sóc Tấn công Tình dục, đây được coi là "dấu hiệu tích cực" và không có gì ngạc nhiên khi nam giới cởi mở hơn. Các nạn nhân có thể cảm thấy mình được trao quyền sau phong trào #MeToo vào năm 2017 – phong trào nhằm chống lạm dụng tình dục. Sự thảo luận của công chúng và thái độ cảm thông hơn của mọi người đã bắt đầu bình thường hóa hành động tìm kiếm sự trợ giúp.
Khi ngày càng có nhiều vụ trình báo với cảnh sát, người dân sẽ càng có thêm nhiều thông tin chính xác về lạm dụng tình dục và thấy được vấn đề này có thể xảy tới với bất cứ ai. Trong bối cảnh ấy, các nạn nhân sẽ tự tin hơn khi trình báo trường hợp của bản thân.
Quốc Đạt (Theo Channel News Asia)
* Tên nhân vật đã được thay đổi