Ngày 13/4/1996, Man Utd làm khách trên sân The Dell ở vòng 35 Ngoại hạng Anh. Về cơ bản, ít ai nghi ngờ vào một chiến thắng của Man Utd. Sau cú ngã quỵ bất ngờ ở mùa giải 1994-1995, đội quân tinh nhuệ của HLV Alex Ferguson trở lại đầy mạnh mẽ ở mùa giải kế tiếp. Họ dẫn đầu giải, và có lúc thắng 11 trận qua 12 vòng. Ngược lại, Southampton đang khó khăn, và đối diện với nguy cơ lớn phải xuống hạng.
Gary Pallister vắng mặt, còn David May ngồi dự bị, nhưng Man Utd vẫn được đánh giá vượt trội. Trên tuyến đầu, Eric Cantona đá cặp với Andy Cole. Các vệ tinh xung quanh là Ryan Giggs, David Beckham, trong khi trục giữa gồm Roy Keane, Lee Sharpe và Nicky Butt. Dưới hàng thủ là bộ ba Gary Neville, Steve Bruce, Denis Irwin và thủ môn Peter Schmeichel. Với sơ đồ 3-5-2, Man Utd thật khỏe mạnh và cân bằng. Trong đường hầm, các ngôi sao của "Quỷ Đỏ" trong bộ đồ màu xám trông rất hợp thời.
Nhưng rất nhanh, sự tự tin của Man Utd nhường chỗ cho sự hỗn loạn. Chỉ 11 phút bóng lăn, Ken Monkou - cầu thủ duy nhất ngoài nước Anh của Southampton khiến cả cầu trường The Dell bật tung cảm xúc. Hậu vệ người Hà Lan liên tục dứt điểm, Peter Schmeichel chỉ cản phá được cú đánh đầu, nhưng quả đá bồi sau đó trở nên quá khó. Đến phút 23, Schmeichel bị đánh bại một lần nữa, sau cú dứt điểm hiểm hóc của Neil Shipperley. Hiệp đấu tồi tệ của Man Utd chỉ khép lại, sau khi nhận bàn thua thứ ba, vì pha làm bàn của Matt Le Tissier ở phút 43.
Sau này, những cầu thủ Man Utd chơi trận đấu hôm đó nói rằng họ không thể phân biệt được "đâu là địch, đâu là ta". Sợi dây kết nối giữa toàn đội gần như không có, khiến họ rơi vào trạng thái hoảng loạn. Đó không phải là Man Utd thường thấy trong mùa giải 1995-1996 nói riêng, trong suốt triều đại 27 năm của Sir Alex nói chung.
Khi Cantona, Cole, Keane, Beckham hay Giggs vào phòng thay đồ trong giờ giải lao, tất cả mường tượng ra cảnh Alex Ferguson chờ sẵn họ ở đó để bật chế độ "sấy tóc". Dù vậy, tất cả bất ngờ vì HLV người Scotland không hề mắng mỏ. Thay vào đó, ông yêu cầu họ lột ngay chiếc áo xám đang mặc ra, và thay bằng áo sọc trắng xanh nổi bật hơn dù thua kém tính thẩm mỹ. Mệnh lệnh được đưa ra, có hiệu lực ngay-lập-tức.
Vậy là sau giờ nghỉ, các khán giả ở The Dell được dịp ồ lên. Quyết định đổi áo này được mô tả là chưa có tiền lệ. Nó bất ngờ đến nỗi, ngay cả Le Tissier - người đã nâng tỷ số lên 3-0 cho Southampton, cũng không kịp nhận ra điều đó: "Tôi thậm chí chỉ nhận ra việc họ thay áo giữa hiệp khi mà trận đấu đã kết thúc".
Rút cuộc, không có màn ngược dòng lịch sử nào cả. Ryan Giggs chỉ giúp Man Utd bớt ê chề với bàn rút ngắn tỷ số phút 89. Và Man Utd chấp nhận ra về với thất bại 1-3. Kẻ thù được phen chế giễu quyết định kỳ lạ của Sir Alex, rằng đó chỉ là phương pháp mê tín, rằng đó là pha "lấy vía" kém duyên của "Ông già gân".
Nhưng sự thật hoàn toàn không phải vậy. Quyết định thay áo giữa giờ của Sir Alex kỳ thực tuân theo phương pháp khoa học. Nó được những người trong cuộc xác nhận. Gary Neville - chứng nhân lịch sử của "sự kiện The Dell" 24 năm về trước tiết lộ với The Football Show: "Tại sao chúng tôi lại có sẵn một bộ quần áo dự phòng khác ư? Có một chút độc đáo ở đây, nhưng đằng sau nó là khoa học. Một vài năm trước, Sir Alex đã làm việc cùng Giáo sư Gail Stephenson của Đại học Liverpool. Và Gail chính là 'HLV mắt' của chúng tôi".
Neville sau đó lý giải thêm về khái niệm "HLV Mắt": "Đó là một trong những lý thuyết tuyệt vời nhất về bóng đá được trình bày ở Man Utd ở lúc ấy, và là một sự sắc bén cho dù nó không liên quan đến cuộc chiến thể lực. Lý thuyết được đưa ra giúp đôi mắt phản ứng một cách nhanh nhạy và linh hoạt với những gì xảy ra trên sân. Sir Alex kỳ thực đã tiên liệu trước trận đấu, rằng bộ quần áo màu xám là một vấn đề, bởi Gail đã nói điều đó với ông ấy. Chúng tôi đã chuẩn bị một bộ đồ thay thế đầy đủ, sẵn sàng cho hiệp hai. Ông ấy đã tính toán kỹ càng cho quyết định này, chỉ tiếc rằng sự thay đổi này đã không mang lại hiệu ứng như mong muốn".
Tuy nhiên, kết quả 1-3 kể trên là thất bại cuối cùng của "Quỷ đỏ" trong mùa giải 1995-1996. Đó cũng là trận đấu cuối cùng bộ đồ màu xám của Man Utd được sử dụng. Sir Alex cương quyết ném chúng vào kho, bất chấp áp lực từ mọi phía. Nhà tài trợ Umbro cố gắng xoa dịu HLV huyền thoại người Scotland bằng cách giảm giá áo đấu. Trong khi đó, Liên đoàn bóng đá Anh phạt Man Utd 10.000 bảng. Nhưng những điều đó chẳng làm Sir Alex nao núng. Sau này, ông mô tả về án phạt của FA rằng "Đó là 10.000 bảng đáng giá nhất mà tôi từng chi tiêu ở CLB này".
Sự quyết đoán ấy ngay lập tức cho trái ngọt. Trong ba trận còn lại của mùa giải - bao gồm cả chuyến làm khách đến sân Middlesbrough, thầy trò Sir Alex đều sử dụng các bộ trang phục khác và giành những kết quả mỹ mãn. Họ ghi chín bàn và giữ sạch lưới, giành chín điểm tuyệt đối.
Nhờ vậy, Man Utd bước lên ngai vàng bóng đá Anh với 82 điểm sau 38 vòng, nhiều hơn đội về nhì Newcastle bốn điểm trong khi Liverpool về thứ ba với 71 điểm. Các học trò của Ferguson còn giành thêm Cup FA để hoàn tất cú đúp. Thêm nữa, đây là mùa giải mà đội bóng cùng thành phố Man City phải xuống hạng. Southampton thì hẳn phải rất biết ơn bộ đồ màu xám của Man Utd. Bởi nhờ chiến thắng 3-1 hôm ấy, "The Saints" kết thúc mùa giải với 38 điểm, bằng điểm Man City nhưng hiệu số nhỉnh hơn, để trụ hạng thành công.
Còn chiếc áo màu xám ở mùa giải 1995-1996 sau này đi vào giai thoại của Man Utd một cách bất đắc dĩ. Bốn trong sáu thất bại của "Quỷ Đỏ" năm đó gắn liền với chiếc áo này. Và những người cố gắng biến Man Utd trở thành một đội bóng thương mại hóa đã gần như phá sản trước sự cương quyết của Sir Alex. Trước đó, nhà thiết kế đã cố gắng phối đồ các bộ quần áo bóng đá với đời thường. Ví như chiếc áo màu xám của Man Utd được kết hợp cùng các họa tiết in chìm bắt mắt để ăn nhập với những chiếc quần jean vốn là phong cách thời trang phổ biến giữa những năm 1990.
24 năm trôi qua, nhưng sự kiện thay áo giữa giờ vẫn là một giai thoại đáng nhớ của Man Utd. Một dẫn chứng nhỏ thôi, nhưng cũng là mệnh đề lý giải cho thành công tột bậc của Sir Alex Ferguson trong 27 năm ngự trị ở Old Trafford.
Minh Quang (theo Sky Sports)