Mới đây, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã thực hiện lại việc đặt dải phân cách mềm tại các ngã tư hay ta thường gọi tắt là "bịt ngã tư”. Nhiều người phản đối cho rằng đây là phương án độc nhất vô nhị tại Việt Nam nhưng không phải vậy.
Phương án “bịt ngã tư” thực ra đã được sử dụng tại một số nơi trên thế giới. Từ nguyên tắc cơ bản hạn chế xung đột tại các điểm giao cắt và giao thông phải tiếp nối liên tục, người ta đã có phương án tương tự với “bịt ngã tư” mang tên: Super-Street hoặc Michigan left.
Tuy nhiên, phương án “bịt ngã tư” khi thực thi ở Hà Nội sau một thời gian trôi chảy giờ đã xuất hiện những bất cập nhất định. Điều đó xuất phát từ việc bất cứ một phương án giao thông nào khi muốn áp dụng rất cần phải có sự chuyển hóa sao cho phù hợp với hạ tầng cơ sở của Hà Nội.
![]() |
Ngã tư Láng - Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng bị bịt lại theo hướng Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng. Ảnh: Hoàng Thùy. |
Biện pháp “bịt ngã tư” chỉ có thể áp dụng tại những giao lộ với những điều kiện nhất định chứ không thể thực hiện tràn lan. Đó phải là những giao lộ trên những con phố có độ lớn đủ rộng. Tuyệt đối tránh áp dụng tại các điểm giao cắt có diện tích nhỏ hẹp bởi khi đó biện pháp “bịt ngã tư” có thể phản tác dụng khiến tình trạng ùn tắc trở nên trầm trọng hơn.
Theo tiêu chuẩn quốc tế thì khi thực hiện “bịt ngã tư” phải đi kèm cùng cầu vượt cho người bộ hành. Điều này khó có thể thực hiện được ngay ở Hà Nội do kinh phí xây cầu vượt chưa có. Vậy chỉ nên thực hiện biện pháp “bịt ngã tư” trên những con phố có những ngã tư khác sử dụng đèn tín hiệu giao thông. Người đi bộ sẽ phải đi đến những điểm đó để sang đường. Việc này có thể gây chút bất tiện nhưng thực ra đó một phần do thói quen lười đi bộ của không ít người Hà Nội.
Ngoài ra việc hình thành những dải phân cách mềm như thành phố đã thực hiện phải được tiến hành một cách thực sự “mềm”. Nghĩa là ngoài giờ cao điểm thì phải mở lại để người lưu thông có thể đi thẳng, đỡ mất thêm thời gian và tiền xăng để đi vòng vèo. Hơn nữa trong giờ cao điểm vẫn rất cần phải có cảnh sát giao thông túc trực tại các điểm giao cắt có nhiều khả năng ùn tắc.
Và cần nhấn mạnh một lần nữa, phương án “bịt ngã tư” chỉ là một giải pháp tình thế. Điểm cốt yếu gây ra sự hỗn loạn giao thông của Hà Nội nằm ở hai nguyên nhân cốt yếu. Thứ nhất, đường phố Hà Nội đã quá tải so với lưu lượng giao thông quá lớn. Thứ hai, ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông còn rất kém. Chỉ khi nào giải quyết được hai vấn đề cơ bản này thì bài toán giao thông của Hà Nội mới được giải quyết triệt để.
Hoàng Tùng, Giám đốc PR & Marketing chuỗi nhà hàng My Way