"Đây là quy định mang tính lịch sử tại Viện và do đặc thù của phẫu thuật tim là mất rất nhiều máu nên phải vận động, kêu gọi người thân bệnh nhân hiến máu bổ sung cho Ngân hàng máu", Giám đốc Viện Tim TP HCM Bùi Minh Trạng nói với VnExpress ngày 7/6, và nhìn nhận chưa quản lý chặt hoạt động hiến máu tại viện, dẫn đến trường hợp nghi ngờ lợi dụng thiện nguyện thu tiền triệu của bệnh nhân.
Ông Hoàng 70 tuổi, được cho là đưa các tình nguyện viên đến Viện Tim TP HCM hiến máu thiện nguyện, sau đó yêu cầu gia đình bệnh nhi bồi dưỡng 1-3 triệu đồng và bỏ túi riêng, người hiến máu lẫn người nhà không hay biết. Vụ việc đang được Sở Y tế TP HCM phối hợp cơ quan chức năng điều tra, chưa kết luận có tình trạng "bán máu thiện nguyện" hay không.
Trừ Viện Tim, hiện nay hầu hết cơ sở y tế tính chi phí truyền máu cho bệnh nhân, còn hiến máu là một hoạt động độc lập không tính vào cơ chế thanh toán viện phí của người bệnh.
Bác sĩ Trạng cho biết quy định này thay đổi ngay từ sáng 8/6, tập trung hiến máu tại Ngân hàng máu. Viện Tim sẽ nhận máu từ Ngân hàng máu, chỉ lấy máu tại viện trong trường hợp khẩn cấp. Ngân hàng máu đã cam kết ưu tiên cung cấp đủ nhu cầu của Viện Tim trong thời gian tới.
Viện Tim thành lập hơn 30 năm nay, còn Ngân hàng máu TP HCM hoạt động từ năm 2010. Trước đây, các bệnh viện phải tự chủ động nguồn máu. Theo bác sĩ Trạng, mổ tim là loại phẫu thuật chảy máu nhiều luôn yêu cầu phải truyền máu trong lúc phẫu thuật và thường cần máu lưu trữ ngắn ngày. Trong khi đó, mỗi năm Viện Tim mổ khoảng 1.300-1500 ca, là số lượng rất lớn nên vấn đề triển khai ngân hàng máu riêng đã được đặt ra từ lúc xây viện, "tồn tại theo lịch sử đến hiện nay". Thông thường, bệnh viện vận động bệnh nhân kêu gọi người thân hiến máu, tùy loại phẫu thuật mà cần số lượng máu hiến khác nhau.
Theo quy định hiện nay của bệnh viện, bệnh nhân mổ tim phải truyền máu có hai cách trả lại nguồn máu. Thứ nhất, bác sĩ dự tính ca mổ tốn khoảng hai đơn vị máu, mỗi đơn vị máu 350 ml. Người nhà vận động được người thân vào hiến hai đơn vị máu để bổ sung vào ngân hàng máu của bệnh viện, bệnh nhân sẽ không phải trả chi phí túi máu sử dụng. "Hai đơn vị máu cũng chỉ là cách tính tương đối, nếu cuộc mổ tốn ba đơn vị máu thì bệnh viện cũng không yêu cầu trả thêm, việc thu máu vào ngân hàng được xem là nguồn tích lũy chung cho tất cả bệnh nhân mổ tim", bác sĩ Trạng giải thích.
Theo hình thức này, người hiến máu phải trả tiền xét nghiệm trước hiến, khoảng vài trăm nghìn đồng, để xác định đủ điều kiện hiến máu, không mắc bệnh truyền nhiễm..., còn lại các chi phí liên quan bảo quản, xử lý túi máu do bệnh viện chịu trách nhiệm.
Thứ hai, bệnh nhân nào không có thân nhân đủ điều kiện hiến máu thì bệnh viện sẽ liên hệ nhận máu từ Ngân hàng máu TP HCM và yêu cầu bệnh nhân thanh toán theo hóa đơn của Ngân hàng máu. Nơi này thu máu từ nguồn vận động hiến tình nguyện, miễn phí trên toàn thành phố. Tuy nhiên, bệnh nhân khi sử dụng máu phải trả một phần chi phí cho việc xét nghiệm, xử lý, bảo quản, vận chuyển..., giá thường khoảng một triệu đồng mỗi đơn vị máu.
Theo bác sĩ Trạng, nếu xảy ra bán máu thiện nguyện thì "rất đáng tiếc", là "sự thiếu sót trong việc quản lý". Bệnh viện tập trung vào việc cứu chữa bệnh nhân, nghĩ rằng những người hiến máu là thân nhân của bệnh nhân nên đã không xác minh xem có việc đòi hỏi tiền bồi dưỡng gì hay không.
"Bệnh viện chưa từng nghĩ đến việc này, từ đó chưa quản lý chặt, chưa tuyên truyền để người nhà bệnh nhân biết là không phải nộp thêm chi phí bồi dưỡng cho người tham gia hiến máu", bác sĩ Trạng nói.
Ngoài ra, lãnh đạo viện cũng thừa nhận thiếu sót trong việc quản lý người đến làm việc từ thiện, cụ thể đã để ông Hoàng trên đi lại trong bệnh viện, dẫn đến hiểu lầm của bệnh nhân và thân nhân là người này có thể nhân viên bệnh viện. Hơn 10 năm nay, ông này đến Viện Tim làm công tác từ thiện với tư cách cá nhân, dễ dàng đi lại ở khu hành chánh, khoa xét nghiệm và phòng khám bệnh.
Trưởng khoa xét nghiệm của Viện Tim cho biết thời gian qua ông Hoàng đôi lúc vận động người tham gia hiến máu cho các bệnh nhi không có người thân đủ điều kiện hiến máu nên "có danh sách của nhiều tình nguyện viên cho máu, đặc biệt các nhóm máu hiếm". Ông này cũng hướng dẫn bệnh nhân và người thân đến phòng xét nghiệm của viện để hiến máu.
Theo bác sĩ Trạng, Viện Tim sẽ xác minh, xử lý nghiêm những cá nhân và khoa phòng nếu có sai phạm nhằm ngăn chặn các hành vi trục lợi. Tuy nhiên bước đầu, Viện chưa xác định mối liên hệ nào của nhân viên với ông Hoàng để thực hiện các việc làm không đúng đạo đức, pháp luật.
"Viện nhờ Ngân hàng máu TP HCM hướng dẫn cách quản lý hiến máu thiện nguyện. Nếu cần thiết, bệnh viện sẽ chuyển toàn bộ người hiến sang Ngân hàng máu, Viện chỉ là kênh vận động hiến máu như các cơ quan khác", ông Trạng nói.
Trước năm 1991, tại Việt Nam chưa có bệnh viện nào thực hiện phẫu thuật tim hở. Các bệnh lý tim mạch được xem như bệnh nan y không thể cứu chữa được, đặc biệt là các bé mắc bệnh tim bẩm sinh phải chịu vậy suốt đời, không thể đến trường, sinh hoạt bình thường như bao đứa trẻ khác, đồng thời cũng là gánh nặng lớn cho gia đình và xã hội. Viện Tim TP HCM ra đời trên cơ sở là một đơn vị hợp tác quốc tế giữa Sở Y tế TP HCM với Hiệp Hội Alain Carpentier (Pháp), hoạt động không nhằm mục đích lợi nhuận.
Trong năm 2021, dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đối với các cơ sở y tế tại thành phố, Viện Tim đã hỗ trợ 169 bệnh nhân, bao gồm 122 trẻ em, có hoàn cảnh khó khăn được mổ tim và điều trị nội trú với tổng số tiền trợ giúp khoảng 9,7 tỷ đồng, chiếm gần 22% tổng số viện phí thu được trong năm.
* Tên người bị tố cáo được thay đổi
Lê Phương