Đun sôi nước được coi là một trong những phương pháp tốt nhất để loại bỏ các tạp chất và an toàn để sử dụng. Nhưng bạn đã bao giờ nghĩ về nước sôi còn sót lại? Bạn sẽ làm gì với nó, đổ đi hay đun lại để dùng?
Tiến sĩ Arunesh Dutt Upadhyaym, chuyên gia y học 37 năm kinh nghiệm ở Ấn Độ, cùng nhiều chuyên gia khác đang cảnh báo về sự nguy hiểm của nước đun sôi lại. Như với tất cả các chất lỏng khi tiếp tục đun sẽ cô đặc hơn. Do đó, đun sôi lại cùng một lượng nước có thể làm cho nước cô đặc hơn hoặc tăng lượng muối hòa tan trong đó.
Tác hại của việc đun sôi lại nước bao gồm:
- Muối nitrat hòa tan trong nước thường không gây hại nhưng đun sôi quá nhiều hoặc đun lại cùng một lượng nước có thể biến các nitrat hoà tan trong nước thành nitrosamin - nguyên nhân gây ra các bệnh như ung thư, bạch cầu.
- Nước đun sôi lại có thể làm tăng lượng asen hòa tan. Asen với một lượng nhỏ trong nước không có hại, nhưng lượng lớn hơn có thể gây ra ung thư, vô sinh, đau tim và rối loạn tâm thần. Sử dụng nước có hàm lượng asen cao trong thời gian dài có thể gây hại cho hệ tuần hoàn và tổn thương da.
- Đun sôi lại nước cũng làm tăng lượng florua. Việc tăng lượng tiêu thụ florua hòa tan trong nước có thể làm tăng nguy cơ rối loạn xương. Ở trẻ em dưới 8 tuổi, lượng florua dư thừa có thể gây hại cho răng và men răng.
- Nước đun sôi lại làm tăng lượng canxi hòa tan, có thể gây sỏi thận và sỏi mật.
- Đun sôi nước sẽ làm thay đổi tính chất hóa học của nước, khiến thay đổi hương vị, tăng nồng độ các hóa chất và tạp chất không mong muốn trong nước.
Do những tác hại nêu trên, các chuyên gia khuyến cáo không nên dùng nước đun lại để pha sữa cho trẻ nhỏ. Các nghiên cứu cũng chỉ ra việc sử dụng nước đun sôi lại để pha một tách trà có thể ảnh hưởng đến hương vị.
Nếu bạn đun sôi lại nước tinh khiết thì hoàn toàn không làm thay đổi thành phần hóa học của nó. Tuy nhiên, đa phần các nguồn nước đều chứa nhiều chất khác nhau. Vì thế chỉ nên đun một lượng đủ dùng mỗi lần để bảo vệ sức khỏe về lâu dài, giúp tiết kiệm điện và bảo tồn nguồn tài nguyên nước.
Bảo Nhiên (Theo Lybrate)