![]() |
"Tức đầy ruột" là sẽ không ăn được cơm đâu. |
Thực ra, chẳng cứ khi cáu kỉnh mới không ăn được, mà vui quá, buồn quá, lo lắng quá... đều làm con người ăn uống mất ngon.
Nguyên nhân là do mọi hoạt động của chúng ta đều chịu sự chỉ huy của vỏ não. Vỏ não làm đủ việc, nào tích lũy kiến thức, nào điều khiển các hành động cụ thể, nào suy nghĩ, diễn đạt tình cảm… Ngay cả khi ta ngủ, nó cũng vẫn làm việc, chẳng hề nghỉ ngơi.
Tuy bận rộn như vậy, nhưng vỏ não làm việc rất có trật tự. Nói chung, trong một thời gian nhất định, nó chỉ giải quyết một việc. Như khi xung quanh ta có rất nhiều máy điện thoại cùng réo ầm lên, ta chỉ có thể nhấc từng cái một mà thôi. Khi vỏ não làm một việc gì, các bộ phận liên quan tới việc đó sẽ có hiện tượng hưng phấn, và khi đã có một bộ phận hưng phấn thì các vùng khác sẽ bị ức chế. Chẳng hạn, khi ta đang say sưa đọc sách, ta thường lơ là mọi việc xung quanh. Vì lúc này một bộ phận trong vỏ não đang hưng phấn, còn các bộ phận khác thì ức chế.
Khi ta thấy đói, bộ phận phụ trách việc ăn uống trong vỏ não hưng phấn, làm ta thấy thèm ăn. Lúc này, ăn là nhiệm vụ trung tâm, các việc khác đều bị gác lại, tức là các bộ phận khác của vỏ não bị ức chế. Nếu lúc đó ta gặp chuyện gì làm mình “nóng mắt”, thì vỏ não sẽ sinh ra một huyệt hưng phấn mới. Huyệt này lan rộng ra, ức chế cả bộ phận phụ trách việc ăn, thế là ta ăn mất cả ngon.
Cho nên, khi đã ăn thì nên tuyệt đối tránh chuyện bực mình.