Năm 1971, giáo sư tâm lý học người Mỹ Albert Mehrabian đã tìm ra trong giao tiếp, ấn tượng một người để lại cho người khác chỉ có 7% phụ thuộc vào nội dung cuộc trò chuyện, trong khi thông tin thính giác như giọng điệu, âm lượng chiếm 38%, và thông tin thị giác như biểu cảm, thái độ lên tới 55%.
Những phát hiện này được gọi là "Định luật Mehrabian", hay còn gọi là "Luật 7/38/55". Đây được xem như bí quyết thành công trong giao tiếp, đặc biệt trong mối quan hệ gia đình.

Khi hạ giọng, tình yêu lớn dần
Nhà văn Lương Sảng (Trung Quốc) kể một tối cô và chồng ngồi xem chương trình tranh luận trên truyền hình. Đến giữa chương trình, vì bảo vệ quan điểm của phe mình ủng hộ, cả hai tranh luận kịch liệt và vô thức to tiếng. Chồng cô giơ tay ra hiệu "suỵt", nhắc nhở cha mẹ đã ngủ. Lương Sảng lập tức hạ giọng.
Kỳ diệu, khi âm lượng nhỏ lại, nhịp điệu trò chuyện cũng chậm rãi hơn, giọng điệu ôn hòa hơn và căng thẳng tan biến. Cô nhận ra nói to không đồng nghĩa với thẳng thắn, mà là sự thờ ơ với cảm xúc của người khác. Chỉ cần hạ giọng một chút, hiệu quả sẽ nhân lên nhiều lần.
Từ đó, cô bỏ thói quen nói to, luôn giao tiếp với chồng bằng giọng điệu nhỏ nhẹ ấm.
Nói nhẹ nhàng là món quà cho con trẻ
Một thí nghiệm tâm lý từng phát đoạn ghi âm giọng nói có âm vực trên 85 dB của một người mẹ cho 10 đứa trẻ nghe, sau đó yêu cầu các em viết lại nội dung. Kết quả chỉ có 13% trẻ nhớ đúng. Nghiên cứu kết luận khi cha mẹ quát mắng, trẻ không tiếp thu mà chỉ cảm thấy sợ hãi.
Ngược lại, một người mẹ khác đã chọn cách tiếp cận dịu dàng khi con trai cô vẽ bậy lên tường. Thay vì la mắng, cô nhẹ nhàng khuyên: "Những bức tranh đẹp cần có dụng cụ vẽ chuyên nghiệp. Con hãy tập trên giấy trước, mẹ sẽ mua cho con bộ bút vẽ thật đẹp để vẽ trên tường sau". Cậu bé vui vẻ nghe lời và không vẽ bậy nữa.
Lời nói dịu dàng giúp trẻ cảm thấy an toàn, được thấu hiểu, từ đó dễ tiếp thu hơn. Giáo dục bằng giọng nói êm ái không chỉ có lợi cho con cái mà còn giúp chính cha mẹ giữ được bình tĩnh và hạnh phúc.

Ảnh: Nkstherapy
Khi nụ cười thay thế cau có
Trong tâm lý học có khái niệm "hostile facial expressions", nghĩa là khi một người thường xuyên cau có, khó chịu trong giao tiếp, vô tình tạo áp lực tâm lý cho người thân.
Định luật Mehrabian cũng cho thấy biểu cảm và thái độ có ảnh hưởng rất lớn đến mối quan hệ. Đặc biệt là trong gia đình, khi xảy ra mâu thuẫn hay bất đồng quan điểm, đừng lúc nào cũng cau có hay trừng mắt. Chỉ cần nhìn thấy gương mặt tươi cười của đối phương, cơn giận sẽ vơi đi một nửa, vấn đề nào cũng có thể được giải quyết một cách êm đẹp.
Nhà văn nổi tiếng Dương Giáng, Trung Quốc kể rằng cha mẹ bà từng có quan điểm trái ngược trong việc giáo dục con nhưng họ chưa bao giờ to tiếng. "Họ như những người bạn tri kỷ, luôn dùng thái độ hòa nhã để giải quyết mọi việc", bà nói.
Hạnh phúc của một gia đình đơn giản là mỗi ngày được nhìn thấy những khuôn mặt vui vẻ, rạng rỡ của nhau. Khi trò chuyện, hãy giữ nụ cười, tránh gương mặt cau có, khó chịu. Gia đình hạnh phúc không phải ở vẻ ngoài sang trọng, mà là sự hòa nhã, ôn hòa trong từng lời nói, cử chỉ.
Bảo Nhiên (Theo Aboluowang)