Môi trường sống ở Bắc Cực và Nam Cực có nhiều điểm tương đồng nhưng lại là nơi cư trú của những sinh vật rất khác nhau. Cả hai vùng cực đều có nhiều loài hải cẩu và cá voi, nhưng chỉ Bắc Cực mới là mái nhà của loài gấu lớn nhất Trái Đất - gấu Bắc Cực.
Gấu Bắc Cực (Ursus maritimus) thường phân bố xung quanh Vòng Bắc Cực ở Alaska, Canada, Greenland, Na Uy, Nga, Iceland. Lông gấu Bắc Cực đặc biệt thích hợp với những nơi mức nhiệt có thể xuống dưới - 30 độ C. Loài vật này dành phần lớn thời gian sống trên băng, đánh chén những con hải cẩu giàu chất béo, cung cấp cho chúng đủ năng lượng trong thời gian dài giữa các bữa ăn.
Nam Cực cũng có băng biển, nhiệt độ thấp và hải cẩu, nhưng hoàn toàn vắng bóng gấu Bắc Cực.
Đa số gấu sống ở Bắc Bán cầu, theo Andrew Derocher, giáo sư sinh học tại Đại học Alberta (Canada), chuyên gia nghiên cứu gấu Bắc Cực gần 40 năm. Ngoài gấu mặt ngắn Andes (Tremarctos ornatus) của Nam Mỹ, gấu chỉ xuất hiện ở Bắc bán cầu.
Derocher cho biết, không có lý do cụ thể nào cho điều này, chỉ là một số loài tiến hóa ở một số nơi, trong khi số khác thì không. "Địa lý sinh học chứa đầy những điều kỳ quặc. Một số loài đến được những vùng đất mới còn một số không như vậy", ông giải thích.
Trong lịch sử tiến hóa của gấu Bắc Cực, hai cực Bắc và Nam chưa từng được nối với nhau bằng băng hay đất. "Mọi người thường nói gấu Bắc Cực là loài ăn thịt sống trên mặt đất lớn nhất thế giới, nhưng chúng thậm chí hầu như không sống trên đất", Derocher nói. Thực tế, loài vật này sống trên băng biển gần như suốt cuộc đời, chỉ thỉnh thoảng lên bờ để sinh sản.
Về mặt tiến hóa, gấu Bắc Cực là loài vật tương đối trẻ. Chúng tiến hóa từ tổ tiên chung với gấu nâu (Ursus arctos) khoảng 5 triệu đến 500.000 năm trước, theo Derocher. Nhưng dù là 5 triệu năm trước, các lục địa cũng ở vị trí tương tự ngày nay nên gấu Bắc Cực không có cơ hội đi từ cực này sang cực khác.
Vùng đất gần Nam Cực nhất là mũi phía nam của Nam Mỹ, bao gồm Chile và Argentina. Để đến Nam Cực, gấu Bắc Cực cần vượt qua eo biển Drake Passage đầy nguy hiểm. Khu vực này được biết đến với những cơn bão mạnh và biển động do dòng nước lạnh từ phía nam chảy vào phần nước ấm từ phía bắc.
Tuy nhiên, gấu Bắc Cực vẫn sẽ sinh trưởng tốt nếu có cơ hội tới Nam Cực, Derocher nhận định. Tại Bắc Cực, chúng ăn hải cẩu, đôi khi là chim và trứng. Nam Cực có dồi dào cả ba loại thức ăn này, với 6 loài hải cẩu và 5 loài chim cánh cụt. Hơn nữa, không loài nào trong số đó tiến hóa để đề phòng động vật ăn thịt to lớn và linh hoạt trên mặt đất.
Môi trường Nam Cực sẽ là bữa tiệc thịnh soạn cho gấu Bắc Cực. Đây cũng là lý do không nên đưa chúng tới nơi này. Sự háu ăn của gấu Bắc Cực và sự thiếu cảnh giác của động vật địa phương trước những kẻ săn mồi to lớn trên cạn có thể dẫn đến sụp đổ sinh thái. Do đó, có lẽ loài gấu trắng to lớn này vẫn chỉ nên sống ở phía bắc.
Thu Thảo (Theo Live Science)