Các tàu du lịch và du thuyền hạng sang luôn sơn màu trắng trong khi tàu chở hàng lớn thường có màu sắc đa dạng. Phần thân màu trắng đặc trưng của tàu du lịch một phần là vấn đề thẩm mỹ. Một con tàu sơn trắng toàn bộ trông có vẻ sạch sẽ và đẳng cấp, tăng thêm âm hưởng sang trọng mà nhiều hành khách mong muốn.
Ngoài hình thức đẹp mắt và truyền thống hàng hải, sự phản xạ và nhiệt lượng cũng là vấn đề đang cân nhắc. Do màu trắng phản chiếu tất cả bước sóng ở quang phổ ánh sáng khả kiến, nó hấp thụ ít nhiệt hơn và mát mẻ hơn. Điều này đặc biệt quan trọng đối với tàu du lịch và du thuyền hạng sang thường xuyên di chuyển ở vùng khí hậu ấm, giúp phương tiện ít phụ thuộc hơn vào điều hòa nhiệt độ vốn tiêu tốn nhiều điện để làm mát hàng trăm cabin, qua đó giảm bớt chi phí.
Vì cùng lý do, máy bay thương mại cũng thường được sơn màu trắng. Tuy nhiên, với cả tàu thủy và máy bay, nhiều công ty bắt đầu phá vỡ quy tắc bằng cách lựa chọn bảng màu sáng tạo hơn, giúp nhận dạng thương hiệu và nổi bật giữa đám đông. Nếu bất kỳ bộ phận nào của tàu thủy được sơn màu, đó luôn là phần đáy của thân và màu sắc thường là xanh navy hoặc đỏ. Điều này nhiều khả năng liên quan tới truyền thống hàng hải và tính thẩm mỹ, nhưng cũng góp phần giúp che giấu chỗ han gỉ và phai màu ở nơi tàu tiếp xúc với sóng biển.
Một lý do khác là màu trắng giúp tàu du lịch nổi bật giữa nền màu xanh dương của trời và biển, giúp tàu nổi bật trước mắt người đi ngang qua và hành khách. Ngược lại, tàu chiến hải quân thường sơn màu xám hoặc xanh sậm để hòa lẫn vào cảnh biển và giảm khả năng bị phát hiện bởi quân thù.
Trong Thế chiến I, những chiếc tàu của Hải quân Hoàng gia Anh và Hải quân Mỹ thường sơn sọc đen trắng và các hình tam giác nhằm làm rối loạn tính toán của kẻ thù. Thay vì khiến con tàu trở nên vô hình, cách ngụy trang như vậy được thiết kế để gây rối loạn cho người vận hành kính tiềm vọng của tàu ngầm bằng cách bóp méo những dấu hiệu chủ chốt như tốc độ và khoảng cách, qua đó khiến bên tấn công khó nhắm chuẩn mục tiêu hơn.
An Khang (Theo IFL Science)