Động đất mạnh 7,8 độ Richter hôm 25/4 ở Nepal là trận động đất mạnh nhất nước này kể từ trận năm 1934. Động đất cũng gây lở tuyết trên núi Everest. Theo các nhà khoa học, nguyên nhân khiến các thảm họa có mức độ ảnh hưởng khác nhau là tiêu chuẩn xây dựng các công trình ứng phó với động đất.
Năm 1960, trận động đất với cường độ 9,5 Richter ở Chile khiến hơn 5.500 người chết. Kể từ đó, chính phủ nước này đã cải thiện kế hoạch xây dựng các tòa nhà, nâng cấp các công trình để chúng có thể đứng vững trước địa chấn mạnh. Nepal không có được điều này.
Một nguyên nhân khác cũng quan trọng không kém là đặc điểm địa chất của khu vực. Theo con số thống kê từ năm 1900, động đất ở những nơi đứt gãy địa chất sâu trong đất liền gây thiệt hại về người gấp đôi so với tác động của động đất tại vùng lục địa ven biển.
Nepal nằm trên khu vực va chạm giữa mảng kiến tạo Ấn Độ và mảng kiến tạo Á-Âu. Tại đây, nguy cơ động đất cũng khó phát hiện, bởi đứt gãy đều ở sâu dưới lòng đất và hiện tượng nứt gãy nhanh chóng bị bao phủ dưới bùn, trôi theo các trận mưa lớn hoặc các khu rừng rậm.
Tác động đẩy nhau của các mảng kiến tạo sinh ra ma sát, tạo lực ép và năng lượng cho đến khi lớp vỏ nứt vỡ. Tốc độ va chạm (khoảng 4,5 cm mỗi năm) đồng nghĩa với việc hoạt động địa chấn lớn sẽ xảy ra ở Nepal vài thập kỷ một lần. Điều đó khác với Chile. Tại quốc gia này, động đất lớn xảy ra mỗi năm và khiến công tác đề phòng trước động đất là một ưu tiên.
Trải dài từ Địa Trung Hải đến Indonesia, các quốc gia ở trên khu vực có đứt gãy động đất, hình thành do các mảng kiến tạo châu Phi, Arap, Ấn Độ đẩy dần về phía mảng kiến tạo Á-Âu đều có nguy cơ đối mặt với thảm họa thiên tai. Istanbul, Tehran, Tabriz và Ashkhabad được coi là nằm trên các vùng đất nguy hiểm nhất thế giới.
Thành Minh (Theo BBC)