Bầu khí quyển dày cả trăm kilomet bao phủ Trái Đất. Ranh giới giữa khí quyển Trái Đất và không gian là đường Kármán cách bề mặt hành tinh 100 km. Tuy nhiên, khoảng 99,9% khối lượng khí quyển Trái Đất tập trung bên dưới độ cao 48 km, theo Anthony Broccoli, giáo sư khoa học khí quyển ở Đại học Rutgers.
Không khí nhẹ hơn cơ thể người, nhưng không khí trong khí quyển rất nặng. "Tổng khối lượng của khí quyển Trái Đất là 5,1 tỷ tỷ kilogram. Một cột khí hình trụ đường kính 0,3 mét có khối lượng 754 kg", Live Science dẫn lời Broccoli.
Tuy nhiên, con người không bị đè ép bởi khí quyển Trái Đất một phần do sự phân bố áp suất. Không khí lưu chuyển xung quanh cơ thể người. Áp suất không khí tác động đồng nhất lên mọi bộ phận cơ thể và không chỉ là lực hướng xuống, Broccoli giải thích. Mức áp suất đó vào khoảng 1 kg/cm2, tương đương trọng lượng một quả bóng bowling lớn. Con người tiến hóa theo thời gian để chịu đựng áp suất, theo Michael Wood, giáo sư khoa học định lượng ở Đại học Canisius tại Buffalo, New York.
Ngoài ra, trong cơ thể con người, các chất rắn, chất lỏng và chất khí thuộc các bộ phận cũng có áp suất tương đương với áp suất bên ngoài của khí quyển. Sự cân bằng lực này chỉ xảy ra nếu không khí có thể tiếp xúc với mọi phía của cơ thể.
Càng lên cao không khí càng loãng, vì vậy áp suất khí quyển cũng giảm theo độ cao. Đó là lý do tai người bị ù khi bay lên cao và thấp dần. Đó là cần một ít thời gian để áp suất bên trong cơ thể cân bằng với áp suất bên người và cảm giác ù tai là kết quả khi áp suất không khí ở hai phía của màng nhĩ ngang nhau, theo Viện hàn lâm tai mũi họng Mỹ - Hiệp hội phẫu thuật đầu và cổ.
"Áp suất từ bên trong cơ thể là lý do con người không thể di chuyển trong không gian mà không có bộ đồ vũ trụ. Về cơ bản, áp suất trong không gian bằng không. Nếu không có áp suất không khí tác động lên cơ thể, áp suất bên trong sẽ khiến cơ thể phồng lên như quả bóng cho tới khi được giải phóng", Wood giải thích.
An Khang (Theo Live Science)