Bốn tân binh Kai Havertz, Timo Werner, Ben Chilwell và Hakim Ziyech ngốn của Chelsea 264 triệu USD, theo Transfermarkt. Còn tổng số tiền đã chi cho chuyển nhượng của Liverpool, Man City, Man Utd, Tottenham và Arsenal là 272 triệu USD, khi Ngoại hạng Anh chỉ còn hai ngày nữa là khởi tranh. Chelsea thậm chí vẫn muốn bỏ thêm 84 triệu USD để tuyển mộ tiền vệ Declan Rice từ West Ham.
Động thái của Chelsea được xem là kỳ lạ, trong bối cảnh Covid-19 vẫn hoành hành. Liverpool báo lãi ba mùa liên tiếp, với tổng lợi nhuận 269 triệu USD. Nhưng, họ vẫn đang phải kỳ kèo vài triệu USD để chiêu mộ tiền vệ Thiago Alcantara từ Bayern Munich. Man City cũng chưa muốn chi thêm sáu triệu USD, để đáp ứng đề nghị 89 triệu USD của Napoli cho trung vệ Kalidou Koulibaly. Với Chelsea, các thương vụ lại thường kết thúc chóng vánh.
Càng bất thường hơn khi năm 2019, Chelsea báo lỗ 125 triệu USD, chiếm 21% doanh thu hoạt động. Chỉ Everton lỗ nặng hơn Chelsea ở châu Âu, với 146 triệu USD.
Chelsea cũng là đội mất nhiều tiền nhất ở châu Âu để khấu hao cầu thủ, với 218 triệu USD, nhiều hơn 58 triệu USD so với đội thứ hai là Juventus. Chẳng hạn Chelsea mua Havertz với giá 95 triệu USD, theo hợp đồng năm năm. Phí chuyển nhượng được phân bổ ra năm năm tiếp theo, mỗi năm 19 triệu USD. Khấu hao cầu thủ là tổng số tiền mua cầu thủ chia ra bởi số năm hợp đồng họ ký kết. Khấu hao càng lớn nghĩa là đội bóng càng khó báo lãi mỗi năm.
Khấu hao ba mùa gần nhất của Chelsea tăng gần 1,5 lần, từ 92 triệu USD lên 218 triệu USD. Khoản này nhiều gấp đôi với với đội thứ hai. Nói cách khác, Chelsea là đội chi nhiều tiền nhất vào chuyển nhượng trong vài năm qua ở châu Âu.
Chủ tịch Roman Abramovich không vung tiền vô tội vạ, bởi ông muốn đưa Chelsea trở lại là đội bóng hàng đầu. Màn thể hiện của HLV Frank Lampard mùa trước chiếm trọn niềm tin của Abramovich. Chelsea cán đích trong top 4 với dàn cầu thủ trẻ trung. Vì thế, tỷ phú Nga không ngại vung tiền để Lampard mang về những cầu thủ ưng ý hè này
Chelsea tiêu tiền theo kiểu "đói góp, no dồn". Họ vừa bị UEFA cấm chuyển nhượng hai kỳ liên tiếp, sau đó giảm xuống chỉ còn một kỳ - hè 2019. Trong tháng 1/2020, Chelsea cũng chỉ bỏ 53 triệu USD để mua đứt tiền vệ Mateo Kovacic. Nhờ vậy, khoản khấu hao cầu thủ của họ sẽ giảm đáng kể từ năm 2020.
Theo chiều ngược lại, trong hai kỳ chuyển nhượng này, họ thu 186 triệu USD từ việc bán cầu thủ. Trong đó họ kiếm 136 triệu USD từ Real Madrid cho thương vụ Eden Hazard. Chưa kể Chelsea đã thu 87 triệu USD từ việc bán cầu thủ hè này, phần lớn đến từ thương vụ tiền đạo Alvaro Morata trở về Atletico Madrid.
Tuổi trung bình của bốn tân binh mà Chelsea phải trả phí chuyển nhượng là 24 tuổi. Bộ khung Lampard đang có trong tay có thể thi đấu ở đỉnh cao trong gần 10 năm nữa. Lợi thế đó có thể giúp họ không phải vung quá nhiều tiền trong những năm tiếp theo. Kỳ chuyển nhượng hè 2020 sẽ mang tính bản lề cho chiến lược dài hạn của Chelsea.
Chelsea là đội bóng lớn hiếm hoi vung tiền chuyển nhượng giữa đại dịch, giúp họ dễ dàng chốt hợp đồng hơn, do không có nhiều đối thủ cạnh tranh. Không có đối thủ cũng có nghĩa Chelsea sẽ không bị ép giá. Các đội bóng khác cũng bị áp lực bán cầu thủ để tránh khủng hoảng tài chính. Chilwell, Havertz hay Thiago Silva đều chỉ muốn tới Stamford Bridge.
Chelsea cũng không nợ nhiều như phần lớn đội bóng lớn, nhờ vào thủ thuật của Abramovich. Ông đã bỏ tiền túi vào Chelsea, không tính lãi, nhưng thông qua công ty mẹ Fordstam. Fordstam đang nợ Abramovich 1,5 tỷ USD. Còn báo cáo tài chính của riêng Chelsea cho thấy đội bóng chỉ nợ 103 triệu USD vào năm 2019, trong khi Tottenham nợ tới 855 triệu USD. Chelsea không mất tiền trả lãi vay trong ba năm qua, còn năm đội còn lại trong top 6 trả từ tám triệu đến 69 triệu USD.
Đội trả lãi vay nhiều nhất chính là Man Utd, khi các ông chủ nhà Glazer tận dụng lợi nhuận của đội bóng để thu hồi vốn. Còn Abramovich, với khối tài sản 12,5 tỷ USD theo Forbes, coi Chelsea như một đam mê.
Xuân Bình