Để bắt kẻ nói dối, người Trung Quốc cổ đại đôi khi sẽ cho người bị buộc tội ngậm đầy gạo sống trong lúc thẩm vấn, sau đó yêu cầu há miệng. Gạo khô chỉ ra rằng miệng cũng khô. Đây được xem là bằng chứng của sự lo lắng tội lỗi - đôi khi trở thành cơ sở để xử tử.
Từ lâu nhiều người đã cho rằng việc nói dối gây ra những tác dụng phụ về thể chất, và một người đàn ông nghĩ rằng mình đã tìm ra cơ chế khoa học của việc phát hiện nói dối vào những năm 1920, giữa lúc tội phạm bùng nổ. Đây là thời kỳ Mỹ cấm bán rượu và các băng nhóm buôn lậu hoạt động mạnh.
Một số sở cảnh sát áp dụng biện pháp ngày càng quyết liệt để ép nghi phạm khai ra sự thật, ví dụ như đánh đập, làm bỏng bằng thuốc lá, không cho ngủ. Dù đi ngược với pháp luật, những biện pháp này vẫn diễn ra phổ biến tại Mỹ và thu được nhiều lời thú tội, nhưng nhiều lời trong số đó bị nghi ngờ về độ chính xác.
August Vollmer, cảnh sát trưởng của Sở Cảnh sát Berkeley, California, nghĩ rằng có thể mở ra kỷ nguyên mới trong đó khoa học sẽ giúp quá trình thẩm vấn trở nên chính xác và nhân đạo hơn. Ông bắt đầu tuyển những người tốt nghiệp đại học để giúp chuyên nghiệp hóa lực lượng cảnh sát. Điều này phù hợp với John A. Larson, người vừa nhận bằng tiến sĩ sinh lý học tại Đại học California Berkeley và có niềm đam mê với công lý. Larson gia nhập lực lượng cảnh sát Berkeley năm 1920, trở thành tân binh đầu tiên trong vùng có bằng tiến sĩ.
Vollmer và Larson đặc biệt quan tâm đến một bài kiểm tra nói dối đơn giản do William Marston, một luật sư kiêm nhà tâm lý học, sáng tạo. Larson đã nỗ lực tạo ra một bài kiểm tra phức tạp hơn nhiều. Ông thử nghiệm trong phòng thí nghiệm đại học với một tổ hợp kỳ lạ gồm bơm và đồng hồ đo gắn vào cơ thể người thông qua vòng tay và đai ngực.
Thiết bị của Larson sẽ đo sự thay đổi của nhịp tim, hô hấp và huyết áp cùng lúc trong quá trình một đối tượng được thẩm vấn và giám sát liên tục. Ông tin rằng thiết bị sẽ phát hiện câu trả lời sai qua những biến động đặc biệt được một chiếc bút khắc lên cuộn giấy quay. Người vận hành sau đó sẽ phân tích và diễn giải kết quả.
Mùa xuân năm 1921, Larson trình làng máy đo tâm lý - tim - phổi, sau này gọi là máy phát hiện nói dối (polygraph). Cỗ máy trông giống như sự kết hợp giữa bộ radio, ống nghe y tế, máy khoan nha khoa, bếp gas và nhiều thứ khác, tất cả đặt trên một bàn gỗ dài. Cỗ máy gây chú ý lớn và được tờ Examiner ca ngợi: "Tất cả những kẻ nói dối, dù khôn khéo, đều sẽ tiêu đời".
Bản thân Larson không hoàn toàn tin vào sự thổi phồng này. Khi thử nghiệm phát minh, ông phát hiện ra tỷ lệ lỗi đáng báo động và ngày càng lo ngại về việc sử dụng chính thức. Và dù nhiều sở cảnh sát trên khắp nước Mỹ chấp nhận thiết bị này, các thẩm phán còn tỏ ra nghi ngờ hơn cả Larson.
Năm 1923, Tòa Phúc thẩm Mỹ khu vực Washington D.C. tuyên bố kết quả của máy phát hiện nói dối không được chấp nhận tại phiên tòa vì các bài kiểm tra không được những chuyên gia liên quan chấp nhận rộng rãi. Tuy nhiên, cảnh sát vẫn tiếp tục sử dụng cỗ máy. Larson thậm chí đã thất vọng khi một đồng nghiệp cũ được cấp bằng sáng chế cho một phiên bản cập nhật vào năm 1931.
Trong khi cỗ máy gốc của Larson phủ bụi, những người bắt chước phát triển nhiều phiên bản hiện đại hơn, tất cả đều tuân theo thông số tương tự như của Larson - và hàng triệu người đã bị kiểm tra. Thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Bộ Ngoại giao Mỹ sử dụng máy phát hiện nói dối để loại những người bị nghi là không phù hợp khỏi chính phủ liên bang. Nhiều nhân viên vô tội đã mất công ăn việc làm, trong khi số khác - sau này mới bị phát hiện là người đối nghịch, bao gồm cả gián điệp nổi tiếng Aldrich Ames - đã đánh lừa được các bài kiểm tra.
Larson đã lấy bằng y khoa và dành phần đời còn lại làm bác sĩ tâm thần. Tuy nhiên, ông vẫn luôn đau buồn về máy phát hiện nói dối. Ông mô tả thiết bị này như "quái vật Frankenstein" của mình, không thể kiểm soát hay tiêu diệt.
Năm 1988, Quốc hội Mỹ cuối cùng cũng thông qua luật cấm các nhà tuyển dụng tư nhân yêu cầu kiểm tra nói dối, dù một số cơ quan chính phủ vẫn sử dụng nó cho việc sàng lọc và cảnh sát có thể dùng với nghi phạm như một công cụ điều tra trong một số trường hợp nhất định.
Thu Thảo (Theo Smithsonian)