Theo đuổi những anh chàng "không thể chinh phục" gần như là thói quen của Aakriti. Nữ nhà báo 29 tuổi bị thu hút mỗi khi gặp những anh chàng "luôn được phụ nữ ngưỡng mộ", người dường như thích cô nhưng lúc gần lúc xa, nóng lạnh thất thường, người mà cô không thể dựa vào.
Aakriti đang làm thủ tục ly hôn chồng. Theo lời cô, anh đích xác là một gã "trai hư", chỉ biết yêu bản thân và thích thu hút sự chú ý của phụ nữ. Giờ đây, Aakriti đang bắt đầu hẹn hò lại nhưng thừa nhận mình đã đi vào vết xe đổ, chỉ thích những gã "trai hư".
"Tôi thích kiểu đàn ông buộc phải chinh phục, chứ không thích người quá si mê mình. Tôi luôn bảo với bạn bè rằng nếu không có chút đấu trí sẽ chẳng vui. Có lẽ tôi chính là người độc hại nhất trong cuộc đời mình", cô nói.
Theo bác sĩ tâm thần Era Dutta (Ấn Độ), hiểu được thuyết gắn bó hoặc mô hình hành vi hình thành từ thời thơ ấu có thể xác định cách chúng ta bị thu hút bởi người khác giới khi trưởng thành. Nó cũng có thể giúp chúng ta hiểu cách thức và lý do tại sao lại có kiểu đàn ông này.
Thuyết gắn bó (attachment theory) giải thích sự gắn bó về mặt cảm xúc trong các mối quan hệ của con người, đặc biệt là những mối quan hệ lâu dài. Thuyết này áp dụng cho cả mối quan hệ giữa bố mẹ với con cái, lẫn mối quan hệ yêu đương, gồm 4 kiểu: Gắn bó an toàn, gắn bó lo âu, gắn bó né tránh và gắn bó lo âu - né tránh.
Trong đó, gắn bó an toàn thường gặp ở những đứa trẻ được yêu thương, lớn lên họ cảm thấy thoải mái với sự thân mật và biết cách thể hiện tình cảm.
Gắn bó lo âu thường gặp ở những trẻ thiếu sự chăm sóc yêu thương hoặc không nhất quán. Họ khát khao thân mật, sợ bị bỏ rơi nên có xu hướng kiểm soát khi yêu.
Kiểu gắn bó né tránh hình thành ở đứa trẻ bị lạnh nhạt hoặc thiếu vắng hẳn cha/mẹ trong thời thơ ấu. Họ né tránh, không thoải mái với sự thân mật, ràng buộc.
Còn kiểu gắn bó lo âu - né tránh hình thành từ tuổi thơ bị bạo hành, bỏ bê. Lớn lên họ sợ thân mật, gần gũi với người khác. Khi có nhu cầu, họ mới cần tiếp xúc nhưng gần quá thì họ sợ bị tổn thương.
"Những 'trai hư' rơi vào kiểu lo âu - né tránh, nghĩa họ họ lúc xa lúc gần, tính khí thất thường, nay họ thả mồi rồi mai biến mất. Luôn có cảm giác bí ẩn về họ và đó là một phần sự hấp dẫn của họ", Dutta nói.
Đối với một số người, "trai hư" là người xấu, không đáng được thông cảm và cần thoát khỏi họ càng sớm càng tốt. Nhưng một số người cố gắng hiểu rõ hơn về kiểu đàn ông này bằng cách tìm hiểu tổn thương quá khứ và thậm chí đi sâu vào tâm lý học tiến hóa.
"Hầu hết đàn ông muốn có nhiều bạn tình hơn, họ ít phân biệt đối xử hơn trong việc lựa chọn và quan tâm đến tình dục", nhà tâm lý học xã hội Azim Shariff, Mỹ nói.
Tuy nhiên, Shariff nói thêm rằng đàn ông cũng được thúc đẩy bởi sự gắn kết và tìm kiếm bạn tình lâu dài. Có những người sẵn sàng và mong muốn cam kết gắn bó lâu dài với mối quan hệ một vợ một chồng.
Riya, một chuyên gia truyền thông 31 tuổi, nói rằng những "trai hư" cô từng quen không đáng được đồng cảm. Họ thao túng, kiểm soát, hạ thấp cô, khiến cô nghi ngờ lựa chọn của mình và nghĩ mình sẽ luôn phải phụ thuộc vào họ.
Vậy tại sao cô lại luôn yêu họ? Rita tin một trong các lý do là việc tiếp nhận các tác phẩm văn học, phim ảnh "có vấn đề" thời nhỏ đã định hình nên quan niệm về tình yêu của cô.
"Trong những gì chúng ta tiếp xúc, có rất nhiều mối quan hệ độc hại được xem là lý tưởng. Cụ thể tôi rất mê phim tình cảm lãng mạn, nơi thường xây dựng tình yêu của những gã người đàn ông tệ nhất với các cô gái dễ thương nhất, cô nàng nóng bỏng lại say mê anh chàng lạnh lùng", cô nhận xét.
Lý do chúng ta mê mẩn những kiểu đàn ông này là vì cảm giác an toàn, thân thuộc. "Việc yêu họ có liên quan nhiều đến kiểu gắn bó của chúng ta. Giả sử bạn lớn lên trong môi trường không được chăm sóc đầy đủ, xa cách tình cảm thì kiểu hành vi này sẽ trở thành hình mẫu cơ sở trong mối quan hệ của bạn. Bạn bị thu hút bởi những trải nghiệm tương tự tuổi thơ mình vì cảm giác an toàn", nhà tâm lý học Ashika Jain giải thích.
Để thoát ra, Jain nói, bước đầu tiên là cần phải hiểu những lựa chọn này về cơ bản là không lành mạnh và không thể duy trì lâu dài.
Bước thứ hai phức tạp hơn là nhận thức được hậu quả của việc rơi vào lưới tình của những gã trai hư này và điều đó có thể tác động hoặc cản trở những lựa chọn lành mạnh trong tương lai của bạn. "Nếu phải lòng một trai hư yêu cầu bạn phải nuông chiều họ mọi lúc, hay chơi trò nóng, lạnh với bạn, bạn phải nhận ra rằng điều này là không bình thường", Jain nói.
Có nhiều cách để nâng cao năng lực cho một mối quan hệ lành mạnh và bình thường. Dutta khuyên, ngoài các liệu pháp hỗ trợ, nên hướng tới việc xây dựng các nguồn lực để hỗ trợ khi chúng ta muốn thoát khỏi mối quan hệ này.
"Nó sẽ giống như việc cai nghiện, bạn không nên chỉ có một mình mà phải để bản thân được bao quanh bởi những người quan tâm, những người sẽ luôn đứng về phía bạn và không phán xét bạn vì những lựa chọn trong quá khứ", cô nói.
Bảo Nhiên (Theo Vice)