"Mum brain" bắt nguồn từ đâu?
Theo tiến sĩ Cornelia Chee, người đứng đầu Khoa Tâm lý Y học của Bệnh viện Đại học Quốc gia Singapore, "mum brain" là hệ quả của việc não bộ người phụ nữ bị ảnh hưởng bởi chứng rối loạn giấc ngủ trong suốt thời kỳ mang thai và giai đoạn nuôi con nhỏ.
Đặc biệt ba tháng cuối của thai kỳ, việc nghỉ ngơi của người mẹ thường bị gián đoạn bởi sự khó chịu, nhu cầu đi vệ sinh ban đêm và các cử động của thai nhi trong bụng. Thậm chí sau khi sinh, người mẹ cũng có thể bị làm phiền bởi các vấn đề như cho con bú vào buổi đêm hay sự thức giấc của em bé.
Tuy nhiên, đã có khoảng 20 nghiên cứu khoa học khác nhau khẳng định chứng đãng trí sau sinh của các bà mẹ là điều tất yếu. Các kỹ năng hay khả năng ghi nhớ thông thường tạm thời bị gián đoạn thực chất được thay thế bằng các kỹ năng khác hữu ích hơn với vai trò của người mẹ. Những thay đổi trong não thúc đẩy sự bình tĩnh và tập trung trong các tình huống căng thẳng, khả năng hiểu được nhu cầu của em bé chỉ dựa vào tiếng khóc và cảnh giác với những nguy hiểm tiềm tàng đối với con của họ.
Một nghiên cứu gần đây cho thấy những người mẹ có lượng chất xám giảm nhiều nhất lại có mối quan hệ bền chặt nhất với con của họ.
Làm thế nào để đối phó với "mum brain"?
Dù có một số lợi ích nhưng sự thật là chứng hay quên sau sinh vẫn đang cản trở sinh hoạt hằng ngày của người phụ nữ. Dưới đây là một số lời khuyên của các chuyên gia giúp làm giảm tác động tiêu cực của hiện tượng này.
Nghỉ ngơi đầy đủ: thiếu ngủ là một yếu tố góp phần rất lớn gây ra chứng đãng trí và suy giảm chức năng nhận thức.
Nâng cao hoạt động trí óc: tiêu thụ thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, ví dụ như quả mọng (dâu tây, quả mâm xôi, quả việt quất) và kích thích trí não với các trò chơi như Sudoku.
Lập một danh sách: viết ra những việc cần làm trong ngày, bạn có thể kết hợp với đặt báo thức hoặc lời nhắc để không bỏ sót công việc nào.
Tham gia một cộng đồng: tham gia một diễn đàn, một nhóm các bà mẹ trẻ, trò chuyện với bạn bè và gia đình, hay thậm chí bạn chỉ cần xem các video hoặc bài chia sẻ của mọi người để biết rằng mình không hề đơn độc.
Hãy kiên nhẫn với bản thân: quan trọng nhất, những người mới làm mẹ nên cố gắng dành thời gian cho mình mỗi ngày để thư giãn, nghỉ ngơi.
Sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn là vấn đề quan trọng nhất, vì vậy đừng ngại yêu cầu sự giúp đỡ từ bạn bè, gia đình hoặc các chuyên gia y tế nếu mọi việc trở nên quá khó khăn.
Ngọc Lan (Theo CNA)