Theo "Hướng dẫn Chẩn đoán và điều trị đái tháo đường type 2" do Bộ Y tế ban hành tháng 12/2020, bệnh đái tháo đường được phân thành 4 loại chính. Trong đó, đái tháo đường type 2 (do giảm chức năng của tế bào beta tụy tiến triển trên nền tảng đề kháng insulin) chiếm 90-95% các trường hợp đái tháo đường. Đái tháo đường type 2 trước đây thường được gọi là đái tháo đường của người lớn tuổi. Bệnh thường xảy ra trên cơ địa thừa cân, béo phì, lười tập thể dục, ăn nhiều tinh bột, ít rau xanh, ít chất xơ... Với tình trạng bệnh nhân đái tháo đường ngày càng gia tăng và trẻ hóa, bên cạnh những người lớn tuổi thừa cân, béo phì, có rất nhiều bệnh nhân đái tháo đường type 2 dưới 30 tuổi.
Đái tháo đường type 1 do tế bào beta bị phá hủy nên bệnh nhân không còn hoặc còn rất ít insulin. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng chủ yếu ở trẻ em và thanh thiếu niên.
Đái tháo đường thai kỳ là bệnh được chẩn đoán trong ba tháng giữa hoặc ba tháng cuối của thai kỳ và thai phụ không có bằng chứng về đái tháo đường type 1, type 2 trước đó.
Ngoài ra còn các loại đái tháo đường đặc biệt do các nguyên nhân khác, như đái tháo đường sơ sinh hoặc đái tháo đường do sử dụng thuốc và hóa chất, điều trị HIV/AIDS hoặc sau cấy ghép mô...
Đái tháo đường là một trong những bệnh không lây nhiễm phổ biến trên toàn cầu. Điều nguy hiểm là bệnh có thể gây nên nhiều biến chứng như mù lòa, suy thận, suy tim và cụt chi. Theo số liệu của Bộ Y tế công bố năm 2023, Việt Nam có khoảng 7 triệu người mắc đái tháo đường, trong đó hơn 55% bệnh nhân đã có biến chứng. Trong số các bệnh nhân gặp biến chứng, 39% biến chứng về mắt và thần kinh, 34% biến chứng về tim mạch, 24% biến chứng về thận.
Trong điều trị đái tháo đường, kiểm soát đường huyết đóng vai trò vô cùng quan trọng. Theo cổng thông tin của Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, đái tháo đường là bệnh không thể chữa khỏi nhưng nếu kiểm soát tốt đường huyết thì người bệnh có thể có cuộc sống và tuổi thọ gần như người bình thường. Vì thế không chỉ người bệnh cần quan tâm kiểm soát đường huyết của bản thân, mà người nhà của các bệnh nhân cũng mong muốn có thể theo dõi đường huyết của ba mẹ, hay vợ chồng, con cái mình...
Để đảm bảo đường huyết trong ngưỡng an toàn, bệnh nhân cần chú ý đến chế độ ăn, chế độ tập luyện và dùng thuốc. Theo các chuyên gia, muốn biết đường huyết có được quản lý hiệu quả hay không, cần dựa vào thông số chỉ số đường huyết chứ không phải cảm nhận chủ quan của bệnh nhân. Hiện nay, ba phương pháp theo dõi chỉ số đường huyết phổ biến là xét nghiệm máu tĩnh mạch, đo đường huyết mao mạch (chích máu đầu ngón tay) và đo đường huyết liên tục. Phương pháp thứ nhất cần thực hiện ở các cơ sở y tế, hai phương pháp sau có có thể thực hiện tại nhà.
Tuy nhiên, phương pháp thứ hai gây đau do bệnh nhân phải chích máu ngón tay. Phương pháp này đặc biệt khó thực hiện vào đêm tối, khi bệnh nhân đang ngủ. Ngoài ra, một số bệnh nhân có thể lấy máu sai kỹ thuật như lấy lượng máu không đủ, không vệ sinh tay trước khi lấy máu, dẫn đến sai lệch kết quả.
Nhiều bệnh nhân bị ám ảnh vì việc phải lấy máu. Chị Phương Nga (TP Thủ Đức, TP HCM), từng mắc đái tháo đường thai kỳ chia sẻ, dù con đã một tuổi nhưng nhớ đến cảnh mỗi ngày chích ngón tay đến 4 lần, chị vẫn rùng mình. Chăm mẹ thường bị hạ đường huyết ban đêm, chị Thanh Trang (Thanh Xuân, Hà Nội) cảm thấy nhiều lúc bất lực vì mẹ sợ đau, không hợp tác để chích máu đường huyết. Bản thân chị cũng khó ngủ yên vì sợ biến chứng xảy ra khi mẹ đang ngủ. Còn anh Nguyễn Thông (quận 4, TP HCM), mới được chẩn đoán mắc đái tháo, lúc nào cũng lo lắng, không biết món mình ăn uống sẽ ảnh hưởng đến đường huyết như thế nào. "Tôi còn đang đi làm công ty, thường xuyên phải họp và ăn nhậu xã giao, không thể cứ liên tục chích máu kiểm soát đường huyết", anh Thông chia sẻ.
Chị Nga, chị Trang, anh Thông cũng như hầu hết các bệnh nhân tiểu đường và nhiều người thân của các bệnh nhân luôn mong muốn có một phương pháp đo đường huyết đơn giản, tiện lợi, không gây đau.
Để đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân cũng như người chăm sóc, máy đo đường huyết liên tục gồm một thiết bị gắn trên người và ứng dụng điện thoại theo dõi glucose liên tục ra đời. Thiết bị này cung cấp chỉ số đường huyết mọi lúc, mọi nơi, không còn nỗi ám ảnh phải lấy máu mỗi lần đo. Thiết bị giúp theo dõi những ảnh hưởng của sinh hoạt, chế độ ăn và tập luyện đến đường huyết. Từ đó bệnh nhân và người nhà dễ dàng điều chỉnh chế độ ăn uống tập luyện còn bác sĩ dễ dàng đưa ra phác đồ điều trị phù hợp để đáp ứng mục tiêu điều trị.
Với sự phát triển của công nghệ số, công nghệ đo đường huyết liên tục cũng được nâng cấp. Tháng 11 vừa qua, tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam FPT hợp tác với Tập đoàn Y khoa Yuwell phân phối máy đo đường huyết liên tục 3P tại Việt Nam và châu Á cho phép người bệnh theo dõi đường huyết liên tục trên ứng dụng di động, với dữ liệu cập nhật mỗi ba phút mà không cần lấy máu.
Với máy đo đường huyết liên tục 3P, người dùng có thể dễ dàng theo dõi mức đường huyết mọi lúc mọi nơi ngay trên màn hình chờ của điện thoại. Ứng dụng lập tức có cảnh báo đến người dùng nếu đường huyết vượt ngưỡng an toàn, hay hạ đến mức nguy hiểm. Vì thế, những người hay hạ đường huyết buổi tối hoàn toàn có thể yên tâm đi ngủ, chỉ cần để chuông điện thoại và không tắt ứng dụng FPT Medicare khi đi ngủ.
Bên cạnh đó, sản phẩm còn có tính năng "Replay" tái hiện toàn bộ biến động đường huyết trong ngày, giúp bệnh nhân và người chăm sóc có cái nhìn toàn diện hơn về sức khỏe. Ứng dụng theo dõi đường huyết liên tục FPT Medicare còn hỗ trợ ghi lại tác động từ chế độ ăn, tập luyện và thuốc trong vòng 14 ngày.
Sản phẩm đáp ứng các tiêu chí RIA: dữ liệu cập nhật theo thời gian thực (Realtime), cung cấp thông tin có giá trị (Insightful), và đưa ra hành động cải thiện sức khỏe (Actionable) nhằm giúp bệnh nhân đạt hiệu quả cao nhất trong kiểm soát đường huyết.
Kim Anh