Lê Khanh |
Từ lâu, tình trạng bạo hành từ tinh thần đến thể chất của một số giáo viên, bảo mẫu của những cơ sở giáo dục, chủ yếu là các trường mầm non, mẫu giáo tư nhân nhỏ, làm không chỉ riêng các bậc cha mẹ mà cả với những người làm việc trong lĩnh vực giáo dục đau lòng và phẫn nộ.
Đây là một hành vi bạo lực xúc phạm đến nhân phẩm, thể chất của trẻ em, vi phạm nghiêm trọng các quy ước trong quyền trẻ em, mà Việt Nam đã ký kết từ những năm 90.
Nhưng vấn đề đặt ra là tại sao tình trạng này vẫn cứ tái diễn ở nhiều mức độ khác nhau? Nếu xét trên phương diện xã hội, thì hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ em phải là một trong các hoạt động cần có sự giám sát chặt chẽ và ràng buộc bằng các quy định nghiêm ngặt của các đơn vị chức năng, mà trong đó các cấp chính quyền từ cấp phường, xã cho đến quận, huyện đều có đủ.
Sát sao nhất là Ủy ban nhân dân phường, rồi Phòng giáo dục, Tổ mầm non quận, sau đó là đoàn Thanh niên, Hội phụ nữ và Ủy ban dân số và Kế hoạch hóa gia đình. Ngay cả về mặt dinh dưỡng và y tế thì Trung tâm y tế dự phòng cấp quận, huyện cũng có quyền và trách nhiệm kiểm tra về mặt vệ sinh an toàn thực phẩm của các cơ sở này để từ đó có những biện pháp nhắc nhở, thậm chí lập biên bản xử lý nếu có những vi phạm.
Vì thế, điều đầu tiên mà chúng ta cần đặt vấn đề là khi xảy ra vụ việc, hay để phòng tránh các vụ việc đau lòng này, các đơn vị trên đã thực hiện trách nhiệm giám sát, quản lý của mình đến đâu?
Nếu hoạt động kiểm tra một đơn vị chăm sóc trẻ, dù ở bất cứ quy mô nào về những quy định tổ chức việc chăm sóc để phát hiện sự hạn chế về trình độ nhân sự, thiếu sót những kiến thức cơ bản nhất về tâm sinh lý trẻ được tiến hành ngay khi cơ sở đó bắt đầu đi vào hoạt động thì chắc chắn những thảm cảnh này sẽ được giảm thiểu rất nhiều.
Đứng về góc độ tâm lý, thì những hành vi bạo hành trẻ, tùy theo mức độ đều có ảnh hưởng ít nhiều về mặt phát triển nhận thức và gây ra những sang chấn tâm lý cho các bé. Các em sẽ trở nên trầm cảm, lo lắng, sợ giao tiếp và có những ám ảnh có thể đi vào vô thức, từ đó sẽ gây ra những hậu quả sau này khi các em lớn lên.
Ngoài ra, chúng ta cũng cần nhớ là trẻ em học qua bắt chước. Chính những hành vi bạo hành mà các em phải chịu đựng hay chứng kiến những bé khác phải chịu đựng sẽ góp phần tạo nên những thái độ đối kháng hung bạo, hay gây ra những hành vi độc ác mà chính đứa trẻ sẽ bộc lộ trở lại với người thân hoặc ứng xử với người khác sau đó hay khi lớn lên. Đây là những kiến thức cơ bản nhất mà các giáo viên hay chủ cơ sở chăm sóc trẻ cần phải biết, để không được phép áp dụng trong cơ sở của mình.
Tôi cũng đã từng phải góp ý và tư vấn cho một số phụ huynh có con bị bạo hành, chủ yếu là về tinh thần như hù dọa, nặng lời, hay có thái độ quá cứng rắn của các cô giáo, bảo mẫu khiến trẻ có những ám ảnh, lo lắng hay lại bắt chước những hành vi lời nói “phản giáo dục” từ các cô, để mang về dọa bố mẹ hay áp dụng với các con búp bê ở nhà.
Cũng là điều hết sức đáng tiếc, do những kiến thức hạn chế về tâm lý và quyền trẻ em, mà các bậc phụ huynh vô tình “giao trứng cho ác” để con em mình phải hứng chịu những cái tát tai, dúi đầu vào thùng nước của những người được ví như mẹ hiền.
Chúng ta hết sức đồng cảm với các bậc cha mẹ, dù rất thương con nhưng vì những khó khăn về kinh tế do thu nhập thấp hay không ổn định, nên phải gửi con vào các cơ sở nhỏ lẻ trong khu vực tư nhân, vì trên thực tế việc cho con vào học các trường mẫu giáo, mầm non đúng chuẩn không phải là điều đơn giản. Điều giới hạn đầu tiên là tình trạng cư trú, sau đó là khả năng đóng góp, vì ngoài tiền ăn phải đóng đúng và đủ theo thời hạn, còn rất nhiều các yêu cầu đóng góp khác vượt quá khả năng của nhiều gia đình.
Từ đó, có thể các phụ huynh này dù có thể biết những hạn chế của các cơ sở tư nhân nhỏ, lẻ nhưng cũng phải chấp nhận vì tính linh hoạt của việc đóng góp, có thể góp theo tháng, theo tuần hay thậm chí theo ngày cũng có thể được các cơ sở này chấp nhận. Họ cũng có thể khất nợ và ngoài phí đóng góp thì hầu như không có những khoản phí đại loại như tiền mua đồ chơi hay xây bể bơi, mua TV, gắn máy lạnh...
Như vậy, sau khi được phát hiện cũng như trước sự đau lòng và phẫn nộ về những hành vi bạo hành khó chấp nhận ở những cô giáo chăm sóc trẻ tại Trường mẫu giáo tư nhân Phương Anh ở Thủ Đức (TP HC của người dân, ngoài việc kiểm tra, xử lý các giáo viên vô lương tâm, thì mong rằng các cấp chính quyền sở nên kiểm tra lại các cơ sở trong khu vực này, nhắc nhở các chủ cơ sở cần có những cam kết về năng lực, trình độ giáo viên cũng như trang bị cơ sở phù hợp, mới được phép hoạt động hoặc nếu vi phạm thì sẽ bị phạt nặng.
Còn về lâu dài, ngoài việc kiểm tra giám sát các cơ sở tư nhân một cách hợp lý và hiệu quả, thì ngành giáo dục mầm non cần xem xét lại các quy định của các trường công đủ chuẩn để tạo điều kiện cho những phụ huynh lao động nghèo cũng có khả năng thụ hưởng một chế độ giáo dục phù hợp với sự phát triển về tâm sinh lý của các em trong độ tuổi mẫu giáo.
Có thể nói, chỉ có sự vào cuộc đồng bộ và quyết liệt của những đơn vị có chức năng và trách nhiệm trong lĩnh vực giáo dục mới là hoạt động ngăn chặn hiệu quả những hành vi bạo hành trẻ em tại các các cơ sở mẫu giáo như hiện nay.
Lê Khanh