Trả lời VnExpress sáng 23/2, đại diện Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng cho biết thông tin trên, thêm rằng đây là lý do khiến kết quả chụp X-quang đã nhầm lẫn "tên bệnh nhân Hải nhưng hình ảnh chụp chiếu là của bệnh nhân Nghĩa". Tình huống này dẫn đến hậu quả tiếp theo là bác sĩ nội soi nhầm bệnh nhân.
Cụ thể, sáng 20/2, bệnh nhân Nguyễn Hồng Hải, 61 tuổi, tiền sử mắc sỏi thận, đến Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng khám. Cùng lúc, bệnh nhân Nguyễn Trọng Nghĩa, 52 tuổi, từng phẫu thuật vào tháng 10/2023 và đặt ống dẫn lưu niệu quản (ống JJ), tái khám. Cả hai ông được bác sĩ chỉ định chụp X-quang hệ tiết niệu.
"Gần 10h cùng ngày, kỹ thuật viên khoa chẩn đoán gọi ông Hải chụp X-quang thì người vào phòng chụp là ông Nghĩa, và ngược lại", lãnh đạo Sở Y tế Lâm Đồng thông tin. Do đó, phim X-quang mang tên ông Hải nhưng hình ảnh ống JJ trong niệu quản là của ông Nghĩa.
Khi nhận phim X-quang từ phòng chẩn đoán, với kết quả hình ảnh nhầm lẫn trên, bác sĩ khoa ngoại hỏi ông Hải về tiền sử bệnh và được ông cho biết từng mổ sỏi thận cách đây 17 năm. Từ đó, bác sĩ tư vấn bệnh nhân Hải nội soi bàng quang để rút ống JJ.
Tại phòng thủ thuật Khoa thăm dò chức năng, bệnh nhân Hải được gây tê tại chỗ, bác sĩ đưa ống soi qua đường niệu đạo vào bàng quang để gắp ống dẫn lưu ra. Tuy nhiên, khoảng 30 phút thực hiện thủ thuật, bác sĩ không tìm thấy ống dẫn lưu.
Theo Sở Y tế Lâm Đồng, sau khi phát hiện sự nhầm lẫn, "nhân viên chẩn đoán hình ảnh nhận sai sót". Chia sẻ sau đó, vợ bệnh nhân Hải cho hay 10 ngày trước chồng bà chụp phim X-quang ở trung tâm y tế huyện, bụng không có dị vật gì. "Dù có chút 'lăn tăn' song do bác sĩ chỉ định mổ gấp nên gia đình đồng ý", vợ bệnh nhân nói.
Ngày 22/2, lãnh đạo bệnh viện cùng những người liên quan sự việc đã đến nhà ông Hải thăm hỏi, xin lỗi và được gia đình thông cảm. Đồng thời, bệnh viện đã kiểm tra, tư vấn và cam kết theo dõi sức khỏe của ông Hải về sau.
"Sở yêu cầu Bệnh viện đa khoa Lâm Đồng mổ xẻ nguyên nhân, trách nhiệm của những người liên quan để có hình thức kỷ luật", lãnh đạo Sở nói.
Hiện chưa rõ tại sao khi nhân viên kỹ thuật X-quang gọi tên bệnh nhân Hải thì ông Nghĩa lại vào phòng chụp và ngược lại. Sau sự cố nhầm lẫn, bệnh nhân Nghĩa cũng đã được bệnh viện nội soi lấy ống JJ. Trường hợp này, các bác sĩ cho biết thuật ngữ chuyên môn gọi là thủ thuật nội soi lấy dị vật (đưa dụng cụ vào cơ thể qua đường miệng hoặc niệu đạo để lấy dị vật), không phải mổ nội soi tức mở hai lỗ nhỏ trên bụng để đưa dụng cụ phẫu thuật vào cơ thể.
Theo quy định của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tất cả bệnh viện đều bắt buộc phải có quy trình xác định đúng người bệnh nhằm tránh nhầm lẫn. Trong Tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phẫu thuật của Bộ Y tế, ê kíp mổ phải đảm bảo 8 yêu cầu là phẫu thuật đúng bệnh nhân, đúng vùng mổ, dự phòng tình huống, kiểm soát tránh quên dụng cụ mổ... Còn Bảng kiểm an toàn phẫu thuật của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) yêu cầu phải xác định nhân dạng người bệnh, loại thủ thuật dự kiến, vị trí mổ... trong giai đoạn tiền mê, trước khi rạch da và trước khi bệnh nhân rời phòng thủ thuật.
Trường Hà - Khánh Hương