Dự án hợp tác toàn cầu quy tụ hơn 200 nhà thiên văn học hôm 10/4 công bố bức ảnh đầu tiên của một hố đen được quan sát trực tiếp. Bức ảnh chụp vầng sáng màu vàng cam xung quanh lõi đen là kết quả tổng hợp từ các quan sát của 8 kính viễn vọng vô tuyến trên mặt đất có tên gọi chung Kính viễn vọng Chân trời sự kiện (EHT).
Dữ liệu của nhóm nghiên cứu xoay quanh hố đen ở trung tâm của Messier 87 (M87), thiên hà trong cụm Virgo cách Trái Đất 55 triệu năm ánh sáng. Dù hố đen là những vật thể cực đặc, chúng có khối lượng siêu lớn. Khối lượng của hố đen ở M87 lớn gấp 6,5 tỷ lần Mặt Trời, theo Hiệp hội Khoa học Quốc gia Mỹ. Do có khối lượng khổng lồ, hố đen bóp méo trường không gian - thời gian, làm nóng bụi và khí xung quanh chúng tới nhiệt độ cực hạn.
Theo định nghĩa, hố đen là vật không nhìn thấy được do ánh sáng không thể thoát khỏi chúng. Nhưng trong thuyết tương đối tổng quát, nhà vật lý Albert Einstein dự đoán trong hoàn cảnh đặc biệt, đường nét bên ngoài và chân trời sự kiện của hố đen có thể quan sát được, theo đại diện của đài thiên văn Haystack ở Viện Công nghệ Massachusetts, một trong 8 kính viễn vọng thuộc mạng lưới EHT.
"Nếu nằm trong một vùng sáng, giống như đĩa khí phát sáng, chúng tôi dự đoán hố đen sẽ tạo ra khu vực tối tương tự chiếc bóng", Heino Falcke, chủ tịch hội đồng khoa học của EHT, giáo sư thiên văn học vô tuyến và vật lý hạt thiên văn ở Đại học Radboud tại Hà Lan, cho biết.
Hố đen ở M87 không nằm gần Trái Đất nhất, nhưng nằm trong số hố đen lớn nhất, khiến nó trở thành mục tiêu tiềm năng cho EHT, Derek Fox, phó giáo sư ở khoa Thiên văn học và Vật lý thiên văn tại Đại học Pennsylvania, chia sẻ.
Trong ảnh, hình tròn tối màu biểu thị "chiếc bóng" của hố đen và ranh giới của nó, được tạo bởi vật chất phát sáng ở xung quanh. Tuy nhiên, màu sắc của vòng tròn rực sáng trên ảnh không phải mắc sắc thực sự của khí nóng. Đó là bản đồ màu sắc do nhóm nghiên cứu EHT lựa chọn để làm nổi bật độ sáng của sự phát xạ.
"Màu vàng thể hiện phát xạ ở mức cao nhất. Màu đỏ thấp hơn. Màu đen tượng trưng cho việc có rất ít hoặc không hề phát xạ", Fox cho biết. Ông nhận định nếu đặt trong phân tích quang phổ, ánh sáng của vòng tròn bao quanh hố đen M87 nhiều khả năng sẽ có màu trắng, với một chút sắc xanh hoặc đỏ. "Theo kỳ vọng của tôi, vòng tròn này sẽ có màu trắng, với độ sáng cao hơn dọc theo vành bán nguyệt và tối hơn ở những điểm còn lại. Vùng hố đen phủ bóng sẽ có màu đen", Fox nói.
An Khang (Theo Live Science)