Tháng 5/2000, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Công thương tiến hành bán hai căn nhà ở đường Nguyễn Đình Chính, tài sản liên quan đến vụ Epco, Minh Phụng. Phòng Công chứng số 1 từ chối công chứng vì chưa có hướng dẫn về thủ tục chứng nhận loại giao dịch này. Còn Sở Tư pháp thì cho rằng phải mang đấu giá. Nhưng thủ tục đấu giá thì lại quá phiền phức, chi phí cao... Tuy vậy, cũng tài sản phát mại để thi hành án, Phòng Công chứng số 2 (quận 5) lại dễ dàng đồng ý (!).
Một căn nhà khác liên quan đến vụ Epco - Minh Phụng, cũng do ngân hàng này thanh lý hồi tháng 10/2000, lại gặp khó khăn ở việc chuyển quyền sử dụng nhà đất. Cơ quan thuế không chịu tính thuế trước bạ và thuế chuyển quyền vì ngân hàng chưa kê khai nộp thuế GTGT và thuế thu nhập doanh nghiệp, phát sinh từ việc... xử lý tài sản bảo đảm tiền vay.
Giải tỏa khúc mắc này, Công văn số 5059 TCT/CS ngày 13/11/2000 của Tổng cục Thuế khẳng định ngân hàng thương mại khi bán hoặc cho thuê tài sản thu hồi nợ phải chịu thuế GTGT và thuế thu nhập doanh nghiệp. Công văn này khác hoàn toàn với tinh thần của Bộ Tài chính trong Công văn số 4184 TC/TCT ngày 17/10/1998 (trước khi áp dụng thuế GTGT): Việc bán tài sản thế chấp để thu hồi nợ không thuộc đối tượng chịu thuế doanh thu. Hơn nữa, Nghị định số 178/1999/NĐ-CP ngày 29/12/1999 về đảm bảo tiền vay của các tổ chức tín dụng đã quy định rõ: Việc xử lý tài sản đảm bảo tiền vay là biện pháp để thu hồi nợ, không phải là hoạt động kinh doanh tài sản của tổ chức tín dụng... Nghĩa là không phải chịu thuế.
Một vấn đề nữa là thuế trước bạ. Phải nhiều lần “đấu tranh”, ngân hàng ở TP HCM mới đòi được quyền đóng thuế trước bạ một lần. Nhưng ở Bà Rịa - Vũng Tàu và một số tỉnh khác, cơ quan thuế vẫn buộc phải nộp hai lần trước bạ cho một ngôi nhà bán: một lần chuyển quyền sở hữu từ con nợ về ngân hàng, một lần từ ngân hàng sang người mua.
Đây là khó khăn khi ngân hàng xử lý tài sản mà mình đã nắm trong tay. Nhưng còn nhiều tài sản khác, cơ quan thi hành án chưa giao lại cho ngân hàng dù phiên tòa đã kết thúc từ lâu. Vietcombank cho đến nay mới nhận được 75% số tài sản của mình trong vụ Epco - Minh Phụng (kết thúc từ 1/2000); vụ Tamexco, ngân hàng này cũng mới nhận được 20 tỷ đồng trong tổng số 120 tỷ tổng giá trị tài sản liên quan.
Nếu không có chính sách tháo gỡ cho tình trạng này thì việc xử lý tài sản liên quan đến các vụ án sẽ tiếp tục nằm trong vòng luẩn quẩn: phòng thi hành án bàn giao chậm, nhưng cái đã bàn giao lại không thể xử lý để thu hồi vốn. Cứ thế, hàng nghìn tỷ đồng của các ngân hàng đang “trơ gan cùng tuế nguyệt”, ngân hàng cứ âm thầm mất hàng tỷ đồng tiền lãi mỗi tháng từ khối tài sản “mốc meo” này.
(Theo Lao Động, 5, 7/4)