Đơn cử, một công ty có tổng tài sản là 100 tỷ đồng và có khoản nợ phải trả là 10 tỷ đồng, đồng nghĩa NAV của công ty đó sẽ là 90 tỷ đồng.
Về cơ bản, bất kỳ thực thể kinh doanh hoặc sản phẩm tài chính nào liên quan đến các khái niệm kế toán về tài sản và nợ phải trả đều có thể xác định được NAV.
Tuy nhiên, giá trị NAV được sử dụng phổ biến nhất đối với các quỹ đầu tư (quỹ mở và ETF). Trong trường này, NAV được xác định bằng cách lấy chênh lệch giữa tài sản và nợ phải trả chia số số lượng chứng chỉ quỹ lưu hành.
NAV = (Tổng tài sản - Nợ phải trả) / Tổng số chứng chỉ quỹ đang lưu hành
Theo đó, nếu như một quỹ đầu tư có tổng tài sản là 100 tỷ đồng và có khoản nợ phải trả là 30 tỷ đồng, số lượng chứng chỉ quỹ lưu hành là 5 triệu đơn vị, thì NAV của quỹ đầu tư này là 14.000 đồng.
Bởi tài sản và nợ của các quỹ đầu tư luôn thay đổi theo từng ngày, do đó giá trị NAV luôn có sự biến động. Hầu hết quỹ đầu tư đều công bố thay đổi NAV trên website của mình hàng ngày và báo cáo định kỳ.
Chỉ số NAV giúp nhà đầu tư nhìn được hiệu suất hoạt động của mỗi quỹ đầu tư. Từ đó nhận định được tình hình phát triển của quỹ đó có tăng trưởng tốt hay không.
Về cơ bản, giá của chứng chỉ quỹ của mọi quỹ được định giá ban đầu như nhau. Chúng đều có mệnh giá 10.000 một chứng chỉ quỹ. Theo thời gian hoạt động, chỉ số NAV của mỗi quỹ sẽ có những biến động khác nhau. Cũng vì vậy, chỉ số NAV phần nào ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn quỹ của nhà đầu tư.
Mặt khác, phải hiểu rằng nếu chỉ đánh giá trên NAV để lựa chọn quỹ đầu tư sẽ không có nhiều ý nghĩa. Thay vào đó, nhà đầu tư nên đánh giá tổng quát hơn từ lịch sử hoạt động của từng quỹ đầu tư, các tài sản đầu tư quỹ đang nắm giữ, kinh nghiệm của ban quản lý quỹ, kế hoạch đầu tư tương lai...