Việc chính phủ siết kiểm soát đòn bẩy và thị trường tín dụng đã châm ngòi cho làn sóng vỡ nợ tại Trung Quốc, đồng thời hạn chế khả năng mua đất mới của các hãng bất động sản nước này. Một số công ty bất động sản Trung Quốc gặp khó khăn, như China Evergrande Group và Shimao Group Holdings, còn bị buộc bán tài sản giá trị để giải quyết vấn đề thanh khoản.
Vì thế, các hãng địa ốc tại Hong Kong đã tận dụng cơ hội này để tăng đầu tư vào Trung Quốc. Nó cho thấy sức mạnh tài chính của các công ty Hong Kong, đồng thời đánh dấu sự đảo chiều, khi trước đây, các hãng bất động sản Trung Quốc mới là nhóm đầu tư vào Hong Kong. Ví dụ, chỉ mới hơn một năm trước, Kaisa Group còn được coi là người chơi sáng giá trên thị trường bất động sản thành phố này. Nhưng đến tháng 12, họ đã phải bán tháo nhiều tài sản và rơi vào tình trạng vỡ nợ.
"Các hãng phát triển bất động sản Hong Kong đang tận dụng sự xuống dốc trên thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, họ cũng thận trọng khi chỉ chọn các dự án chất lượng cao với tiềm năng lâu dài", Michael Wu – nhà phân tích cấp cao tại Morningstar Investment Service cho biết.
New World Development – một trong các hãng bất động sản hàng đầu Hong Kong – đang đặt cược lớn vào Greater Bay Area, khu vực gồm Hong Kong và tỉnh Quảng Đông. Việc Trung Quốc thực hiện chính sách "3 lằn ranh đỏ" nhằm kiềm chế việc vay nợ của các hãng địa ốc – đã tạo ra cơ hội này, CEO Andrian Cheng cho biết.
"New World có thể mua đất giá rất rẻ và có khả năng sinh lời cao trong cuộc khủng hoảng này", Cheng cho biết hồi cuối tháng 2, "Đây là cái mà chúng tôi gọi là chiến thắng thần tốc".
Nhiều công ty khác cũng đang tìm hiểu việc đầu tư. Swire Properties đã dành ra 50 tỷ đôla Hong Kong (6,4 tỷ USD) để đổ vào Trung Quốc trong thập kỷ tới. Phó chủ tịch Hang Lung Properties Adriel Chan hồi tháng 1 cho biết những công ty có mức nợ thấp như Hang Lung có nhiều cơ hội hơn tại thị trường Trung Quốc.
Việc tích cực đổ tiền vào đại lục sẽ giúp các hãng bất động sản Hong Kong có thêm kênh tăng trưởng khi thị trường Hong Kong đã bão hòa và giới chức để mắt hơn đến khả năng chi trả, đồng thời phân bổ nhiều đất hơn cho nhà ở xã hội.
Tại Trung Quốc, sự rút lui của các hãng bất động sản kẹt tiền trong các phiên đấu giá của chính phủ đã khiến giá đất giảm xuống. Theo hãng nghiên cứu China Real Estate Information, giá trung bình trong tháng 2 đã xuống mức thấp nhất kể từ năm 2019, tại 1.905 nhân dân tệ (300 USD) một m2.
Theo Philip Tse – Giám đốc nghiên cứu bất động sản khu vực Hong Kong và Trung Quốc tại Bocom International Holdings cho biết các công ty Hong Kong có thể bị hấp dẫn bởi các dự án bất động sản thương mại tại các thành phố hạng nhất và hạng hai của Trung Quốc. Đây là lĩnh vực họ có lợi thế về thương hiệu và quản trị.
Tình hình trên thị trường bất động sản nhà ở thì ngược lại, Patrick Wong – một nhà phân tích bất động sản tại Bloomberg Intelligence cho biết. "Sự cạnh tranh trên thị trường bất động sản Trung Quốc rất khắc nghiệt. Rủi ro chính sách cũng có nữa. Các quy định lúc nới lỏng, lúc thắt chặt", Wong giải thích, "Nếu thị trường hạ nhiệt khi dự án hoàn thành, doanh số bán nhà sẽ chững lại. Vì thế, việc này khá thách thức".
Hà Thu (theo Bloomberg)