Trong trường hợp này, tùy vào hợp đồng giữa hãng xe ôm công nghệ và lái xe mà có thể xác định trách nhiệm bồi thường thuộc về ai. Tuy nhiên, thực tế, các hãng xe ôm công nghệ chỉ có mối quan hệ cộng tác với các lái xe mà không phải mối quan hệ người sử dụng lao động và người lao động. Các hãng xe ôm công nghệ chỉ cung cấp một ứng dụng để tài xế và khách hàng có thể tìm đến nhau thuận lợi. Tài xế phải trả một khoản phí cho hãng xe ôm công nghệ trong việc kết nối này.
Do đó, hợp đồng giữa hãng xe công nghệ và người lái xe là hợp đồng hợp tác, hai bên có quan hệ đối tác. Chính vì vậy, khi bị tai nạn do lỗi của lái xe thì chưa đủ căn cứ để yêu cầu hãng xe ôm công nghệ bồi thường.
Trong trường hợp này, bạn hoàn toàn có quyền yêu cầu người lái xe vượt đèn đỏ gây tai nạn (vi phạm pháp luật giao thông) có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bạn. Mức bồi thường được quy định tại Điều 590 Bộ luật Dân sự, cụ thể như sau:
1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;
d) Thiệt hại khác do luật quy định.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Bạn cung cấp thêm thông tin là đã chọn trả tiền bảo hiểm cho chuyến đi thì cơ quan bảo hiểm sẽ hỗ trợ bạn các chi phí cứu chữa, phục hồi sức khoẻ, viện phí..., bạn có thể liên hệ với hãng xe công nghệ để giải quyết chế độ bảo hiểm chuyến đi đó.
Hiện nay, hầu hết hãng xe ôm công nghệ đều có gợi ý trả bảo hiểm tự nguyện cho chuyến đi, mức phí dao động chỉ vài nghìn đồng/chuyến đi. Theo Chính sách Bảo hiểm tai nạn cá nhân của các hãng xe này, họ thường sẽ bồi thường những thiệt hại về sức khỏe và thân thể do tai nạn khi di chuyển, bất kể ai là người vi phạm trong vụ tai nạn.
Do đó, độc giả có thể cân nhắc chọn chuyến đi có bảo hiểm. Nếu bị tai nạn giao thông, các bạn sẽ được hãng xe chi trả chi phí y tế, bồi thường theo thoả thuận.
Luật sư Nguyễn Đại Hải
Công ty Luật TNHH Fanci