
Tai nạn tàu hỏa kéo lê, hất văng ôtô khiến 3 người chết, 4 người bị thương ở Dốc Trùm (Quảng Ngãi) tháng 2/2012. Ảnh: Trí Tín.
Vụ tàu lửa đối đầu hất văng xe container đã qua 5 tháng, đến nay lái tàu Nguyễn Văn Đồng (43 tuổi, ngụ Hà Nội) vẫn chưa hết bàng hoàng, ám ảnh. Người lái tàu nhớ như in những diễn biến rạng sáng 19/9 năm ngoái, anh đang đưa đoàn tàu NA2 chở 330 hành khách từ Nam ra Bắc. Tàu gần đến TP Nam Định thì từ xa anh phát hiện xe container chở gạo đang tiến lại gần đường ray. "Tôi liên tục kéo còi nhưng dường như họ không nghe", lái tàu tường thuật. Đoàn tàu vun vút lao tới, hất tung xe container. Đầu máy tàu đứt rời lật nghiêng vuông góc với đường bộ, ba toa tàu cũng đứt rời trật bánh khỏi đường ray.
"Tôi bị bất tỉnh, lúc tỉnh dậy thấy mình đang ở trong xe cấp cứu trên đường vào viện, vợ con ngồi bên cạnh khóc thảm thiết", anh Đồng kể. Bác sĩ kết luận anh Đồng bị gãy xương chậu phải điều trị lâu dài, còn anh Vũ nhân viên phụ tàu thì bị thương ở vùng đầu, rách đùi.
Theo anh Đồng, các phương tiện ngày càng nhiều, ý thức người tham gia giao thông kém, nạn thả rông gia súc tràn lan trên đường ray... trở thành mối hiểm họa luôn rình rập cho nghề lái tàu hỏa. "Mỗi năm tàu của tôi va quẹt với ít nhất 10 con trâu bò bất ngờ lao thẳng vào từ phía trước... Có những vụ phải dừng lại xử lý mất 30 phút thì đoàn tàu mới có thể tiếp tục hành trình", anh Đồng nói.
Thâm niên 18 năm lái tàu trên hành trình Bắc - Nam, ông Hà Thanh Hải, cán bộ Xí nghiệp Đường sắt Hà Nội, đã chứng kiến hàng loạt vụ tai nạn rợn người. "5 năm trước, tàu từ Nam ra Bắc gần đến Hà Nội thì tôi phát hiện chiếc taxi đang cố vượt qua đường ngang dân sinh. Tôi kéo còi cảnh báo liên tục nhưng dường như anh taxi này phát hoảng buông tay lái đứng giữa đường ray", người lái tàu này nhớ lại. Lần đó tàu lao tới hất tung taxi lật ngửa bốn bánh lên trời, rất may tài xế chỉ bị gãy chân.

Ôtô thường tan nát khi bị tàu hỏa húc. Ảnh: Trí Tín.
Ông Hải tâm sự, mỗi lần gặp tông người là bất khả kháng, song một thời gian dài sau đó ông không nguôi ám ảnh về cảnh tượng kinh hoàng đã xảy ra. Có những người tuyệt vọng, chán đời bất ngờ nhảy vào đoàn tàu đang lăn bánh hoặc nằm giữa đường ray để tự tử. Ông nhớ năm 2012, tàu đi từ Hà Nội đến gần huyện Phủ Lý (Hà Nam) thì phát hiện người đàn ông đi thất thểu trên đường ray.
"Tôi kéo còi liên tục nhưng người đàn ông này giả vờ nhặt nhạnh ve chai rồi bất ngờ nằm ngang đường ray tìm cái chết khi đoàn tàu chạy đến gần. Tàu chạy đi 50-100 km rồi mà tôi vẫn không nguôi day dứt, ám ảnh về cảnh tượng thương tâm đó", ông Hải thổ lộ.
Mới đây nhất, cùng ngày xảy ra vụ tai nạn tàu SE5 đâm đứt đôi xe tải ở Quảng Trị, tàu SE8 từ Nam ra Bắc ra đến Quảng Bình cũng tông phải hai con bò và kéo lê chúng hơn 50 m. Phải mất 30 phút dừng lại xử lý, đoàn tàu mới tiếp tục hành trình được.
Theo nhiều lái tàu, hiện nay người dân tự mở đường dân sinh rất nhiều, tạo thành nhiều giao cắt với đường ray nên dễ gây nguy hiểm cho các đoàn tàu Bắc - Nam. Ông Vũ Thanh Minh, Trưởng tàu SE1, SE2, cho hay cự ly an toàn đối với những đoàn tàu ít nhất khoảng 600 m. Tuy nhiên nhiều khi tàu đã đến gần sát mà nhiều người thiếu ý thức vẫn bất chấp vượt qua đường ngang dân sinh. Những tình huống như vậy thì lái tàu tài giỏi thế nào cũng không thể trở tay kịp.

Tai nạn đâm đứt xe tải ngày 10/3 ở Quảng Trị khiến ba toa tàu bị trật khỏi đường ray. Ảnh: Hoàng Táo.
Ông Minh nhớ tháng 3/2014, đoàn tàu từ Nam ra Bắc đến huyện Gio Linh (Quảng Trị) thì một ôtô bốn chỗ bất ngờ lao qua đường ngang dân sinh không có gác chắn. Hậu quả là ôtô này găm chặt vào đầu máy tàu và bị kéo lê 100 m khiến hai người tử nạn.
"Mỗi lần xảy ra tai nạn, nhanh nhất thì xử lý vụ việc khoảng 20 phút, còn nghiêm trọng có khi làm tê liệt giao thông đường sắt kéo dài cả ngày đêm gây thiệt hại kinh tế rất lớn cho đất nước", ông Minh chia sẻ.
Sau tai nạn giao thông đường sắt nghiêm trọng ở Quảng Trị ngày 10/3, Ủy ban An toàn Quốc gia đã yêu cầu ngành đường sắt Việt Nam tăng cường giám sát đội ngũ nhân viên gác đường ngang; thường xuyên kiểm tra hoạt động của các thiết bị an toàn trên hệ thống đường ngang. Ngành đường sắt cũng bố trí cảnh giới tại các đường ngang có tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn; tuyên truyền hướng dẫn quy tắc an toàn giao thông. Rà soát các vị trí đường ngang không người gác (đường ngang cảnh báo tự động, đường ngang biển báo) để cắm biển báo hiệu phù hợp.
Cơ quan chức năng bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, không để phát sinh thêm đường ngang trái phép. Đối với đường ngang không có rào chắn và thiết bị cảnh báo tự động mà có mật độ phương tiện giao thông cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn thì phải tổ chức cảnh giới, bảo đảm an toàn.
Tối 10/3, xe ben chở đất đá do ông Nguyễn Gia Hải cầm lái băng qua đường sắt ở xã Hải Thượng (Hải Lăng, Quảng Trị) đúng lúc tàu SE5 chạy hướng Bắc - Nam đi đến. Xe ben bị tàu đâm gãy rời và kéo lê một khoảng xa. Ba toa tàu trật khỏi đường ray. Lái tàu hỏa tử vong, phụ lái tàu, lái xe ben và một số hành khách bị thương, tuyến đường sắt Bắc Nam tê liệt gần 24 giờ. |
Trí Tín