Luật sư Lâm Thị Mai Anh (Công ty Luật Sen Vàng) cho biết, Thông tư 31/2019 của Bộ Giao thông Vận tải quy định, người điều khiển phương tiện giao thông phải giữ khoảng cách an toàn với xe liền trước, tùy thuộc tốc độ cho phép tại từng đoạn đường.
Trường hợp của chị Ngọc, do điều khiển xe trong thành phố, đông dân cư nên chỉ được di chuyển ở tốc độ bằng hoặc dưới 60 km/h. Nếu bằng 60 km/h và trong điều kiện khô ráo, các phương tiện phải cách xe trước tối thiểu 35 m.
Nếu di chuyển nhỏ hơn 60 km/h, pháp luật không quy định cụ thể khoảng cách tối thiểu giữa hai xe. Điều 11 Thông tư 31/2019 chỉ nêu, các phương tiện đi dưới 60 km/h phải: "Chủ động giữ khoảng cách an toàn, phù hợp với xe chạy liền trước xe của mình; khoảng cách này tùy thuộc vào mật độ phương tiện, tình hình giao thông thực tế để đảm bảo an toàn giao thông".
Ai vi phạm quy định về khoảng cách sẽ bị phạt 100.000-200.000 đồng theo Nghị định 100/2019. Ngoài ra, các xe khi lưu thông phải "làm chủ tốc độ", không để xảy ra tai nạn.
Như chị Ngọc nói, xe Camry đi đầu tiên không có lỗi khi phanh gấp tránh xe máy tạt đầu bởi đây là tình huống bất khả kháng. Tài xế Matiz đi sau cùng sai rõ ràng vì không giữ khoảng cách an toàn, không làm chủ tốc độ nên đâm vào xe liền trước.
Pháp luật không quy định khi dừng đỗ khẩn cấp, các xe phải cách nhau bao nhiêu nên nếu Ngọc đã nhấn phanh kịp thời, dừng cách xe Camry phía trước 50 cm sẽ không có lỗi.
Theo luật sư, ai gây ra tai nạn người đó có trách nhiệm bồi thường. Chị Ngọc nếu không muốn đền tiền xe Camry cần chứng minh xe Matiz đã đẩy xe của mình lên dẫn tới va chạm. Các chứng cứ về việc này có thể là dữ liệu camera hành trình, lời của nhân chứng...
Nếu không chứng minh được, chị Ngọc phải bồi thường cho xe Camry hoặc nhờ công an giải quyết; đo vẽ, dựng lại hiện trường để xác định lỗi cụ thể thuộc về ai.
Song Minh