Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hồi giữa tháng 2 cảnh báo tốc độ tiêu thụ đạn của Ukraine "cao hơn nhiều lần" so với khả năng cung cấp của phương Tây, gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ với Kiev khi chiến sự kéo dài.
Tuy nhiên, chỉ đến khi loạt tài liệu tình báo Mỹ bị rò rỉ trên mạng gần đây, những lỗ hổng trong năng lực phòng thủ của Ukraine mà ông Stoltenberg nêu ra mới được thể hiện một cách chi tiết. Lầu Năm Góc xác nhận nội dung của những tài liệu bị rò rỉ này và đang phối hợp với Bộ Tư pháp Mỹ mở cuộc điều tra.

Các binh sĩ Ukraine tại một vị trí gần Bakhmut, miền đông Ukraine, hồi tháng trước. Ảnh: AP
Chính quyền Tổng thống Joe Biden cam kết viện trợ của Mỹ cho Ukraine sẽ tiếp tục cho đến khi Nga rút quân hoặc một cuộc đàm phán hòa bình diễn ra. Lầu Năm Góc cho biết họ vẫn đáp ứng được những gì Kiev cần ở bất cứ thời điểm nào.
Nhưng các đánh giá trong các tài liệu rò rỉ lại vẽ ra một bức tranh mờ mịt hơn nhiều về khả năng bảo vệ bầu trời của Ukraine. Chúng kết luận rằng các hệ thống phòng không do phương Tây gửi đến có số lượng hạn chế, đôi khi không phù hợp và không thể bắt kịp Moskva về số lượng.
Theo tài liệu tình báo bị rò rỉ, Hội đồng Tham mưu Liên quân của Bộ Quốc phòng Mỹ hồi cuối tháng hai đánh giá "khả năng cung cấp đạn phòng không tầm trung để giúp Ukraine bảo vệ tiền tuyến sẽ suy giảm mạnh từ ngày 23/5".
Một biểu đồ cho thấy Ukraine sẽ cạn đạn cho tên lửa phòng không Buk vào ngày 13/4, hết tên lửa NASAM do Mỹ sản xuất vào ngày 15/4 và tên lửa 9K-33 Osa vào tháng 5.
Trong một biểu đồ khác, Lầu Năm Góc đề xuất Ukraine ưu tiên sử dụng tên lửa phòng không để tấn công chiến đấu cơ hay trực thăng Nga, thay vì nhắm bắn những mục tiêu nhỏ hơn như UAV.
Với đánh giá này, quân đội Mỹ dự báo Ukraine chỉ có thể chống đỡ thêm 2-3 cuộc tập kích lớn nữa từ tên lửa và máy bay không người lái (UAV) Nga.
"Khi lớp phòng thủ thứ nhất hết đạn, tỷ lệ tiêu thụ đạn của lớp thứ hai và thứ ba sẽ tăng lên, làm giảm khả năng ngăn chặn các cuộc tấn công trên không của Nga từ mọi độ cao", tài liệu mật cho biết.
Đánh giá này nằm trong số hàng chục tài liệu mật dường như được chuẩn bị cho các quan chức cấp cao Lầu Năm Góc và giới lãnh đạo tình báo Mỹ hồi cuối tháng 2 và đầu tháng 3. Số tài liệu bị rò rỉ còn có các bản cập nhật tình hình chiến sự và đánh giá về khả năng phòng thủ của Ukraine cùng biên bản nhiều cuộc họp tình báo.
Sau đánh giá ảm đạm đó, Mỹ và các đồng minh NATO đã gấp rút trang bị cho Ukraine nhiều hệ thống phòng không, nhằm hỗ trợ lưới phòng thủ chắp vá của Kiev, chủ yếu gồm các khí tài do Liên Xô và Nga chế tạo.
Mỹ gần đây công bố chuyển giao cho Ukraine các vũ khí như súng gắn thùng xe tải để bắn hạ UAV, giúp giảm áp lực cho các hệ thống lớn hơn vốn dùng cho máy bay chiến đấu hay tên lửa.
Tháng trước, Lầu Năm Góc cho biết họ sẽ đẩy nhanh tốc độ cung cấp hệ thống phòng không tiên tiến Patriot, sau khi các binh sĩ Ukraine hoàn thành khóa huấn luyện sử dụng tổ hợp này tại căn cứ Fort Sill, Oklahoma.
Mỹ, NATO, Liên minh châu Âu (EU) cùng các đồng minh cũng ráo riết tìm kiếm thêm đạn ở nhiều nguồn khác, từ Hàn Quốc cho đến Đông Âu hay Trung Á, đồng thời tìm cách tăng khả năng sản xuất nhằm chuẩn bị cho kịch bản Ukraine mở đợt phản công trong vài tuần tới.
Đại tá Yuriy Ihnat, phát ngôn viên của lực lượng không quân Ukraine, cho hay không phải mọi thông tin trong các tài liệu rò rỉ đều đúng với tình hình hiện nay, do việc bố trí các khí tài thường xuyên thay đổi theo điều kiện chiến trường. "Chúng tôi liên tục thay đổi vị trí. Chúng tôi buộc phải làm như vậy để đối phương không thể làm cạn kiệt nguồn lực và tiêu diệt chúng tôi", ông nói.
Dù vậy, một quan chức cấp cao Ukraine hôm 8/4 cho biết vụ rò rỉ tài liệu khiến các lãnh đạo quân sự và chính trị ở Kiev giận dữ vì chúng đã làm sụp đổ nỗ lực của họ trong việc che giấu các lỗ hổng liên quan đến tình trạng thiếu đạn dược và các dữ liệu chiến trường khác.

Tên lửa chống tăng Javelin do Mỹ viện trợ đến Ukraine được chuyển lên xe tải ở Kiev hồi tháng 2/2022. Ảnh: AFP
Dù cả Nga và Ukraine hiện tại đều hạn chế sử dụng không quân, các tài liệu mật từ Lầu Năm Góc chỉ ra những hậu quả tiềm tàng nếu năng lực phòng không của Ukraine bị xói mòn. Theo đánh giá, máy bay Nga có khả năng hoạt động tự do hơn để tiến hành các cuộc tấn công hay chuyển quân và cũng có thể đóng vai trò quan trọng hơn trong ngăn chặn lực lượng Ukraine phản công.
Nếu lưới phòng không Ukraine ngày càng bị bào mòn và Kiev phải hạn chế sử dụng các cường kích yểm trợ hỏa lực tầm gần hay giám sát trên không, họ sẽ "không thể ngăn chặn Nga chiếm hoàn toàn ưu thế trên không".
Chi tiết trong các tài liệu cũng nhấn mạnh một điểm yếu khác của Ukraine bắt nguồn từ năng lực phòng không hạn chế: Muốn bảo vệ một mục tiêu, họ phải chấp nhận hy sinh một mục tiêu khác.
Một bản đồ hiển thị những cơ sở hạ tầng thiết yếu của Ukraine được bảo vệ và không được bảo vệ. Theo dự đoán của Mỹ, tới tháng 5, các cơ sở không được lưới phòng không bảo vệ tăng lên rõ rệt, cho thấy các hệ thống phòng thủ dường như bị phá hủy hoặc đạn dược cạn kiệt khiến chúng không thể hoạt động.
Ihnat và Lầu Năm Góc cho biết một trong những chiến lược của Nga là áp đảo cũng như làm suy yếu hệ thống phòng không Ukraine bằng các cuộc tập kích dai dẳng.
Tom Karako, giám đốc Dự án Phòng thủ Tên lửa tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), người đã nghiên cứu một số tài liệu rò rỉ, nhận định những tiết lộ mới nhất cho thấy hệ thống phòng không Ukraine mong manh đến mức nào.
"Chúng luôn trong tình trạng thiếu vũ khí và đạn. Thật đáng ngạc nhiên là Ukraine vẫn có thể cầm cự lâu đến vậy với những gì họ có", ông nói. "Phòng không không thể mang đến chiến thắng trong cuộc xung đột, nhưng nếu thiếu chúng, họ sẽ hứng chịu thất bại".
Vũ Hoàng (Theo Washington Post)