Chỉ cần gõ tên dịch vụ cùng cụm từ giá rẻ trên trang tìm kiếm, lập tức xuất hiện hàng chục thông tin quảng cáo, rao bán các dịch vụ xem phim trực tuyến Netflix hay nghe nhạc Spotify ở Việt Nam. Điểm đặc biệt là chúng đều có giá thấp hơn rất nhiều lần so với phí chính thức mà các nhà cung cấp này đưa ra.
Ví dụ, với dịch vụ xem phim trực tuyến nổi tiếng Netflix, để sử dụng gói dịch vụ cơ bản với một người dùng và chất lượng HD, phí hàng tháng thấp nhất tại thị trường Việt Nam là 180.000 đồng. Tuy nhiên, mức giá mà nhiều người chào mời trên mạng chỉ từ 18.000 đồng đến 60.000 đồng mỗi tháng. Mua tài khoản có thời gian sử dụng càng lâu, 6 hay 12 tháng, số tiền bỏ ra lại càng thấp và chỉ bằng 1/10 so với phí mà Netflix thông báo.
Hiện tượng rao bán các tài khoản xem phim và nghe nhạc trực tuyến như Netflix, Spotify với giá rất rẻ đã xuất hiện từ hai, ba năm nay, ngay khi các dịch vụ này bắt đầu được cung cấp chính thức ở Việt Nam. Ban đầu, chúng được rao bán trong một số hội nhóm, diễn đàn nhưng sau dần nở rộ và tràn lan.
Trên mạng xã hội, nhiều Fanpage được tạo ra với ảnh đại diện sử dụng logo, tên gọi của các dịch vụ trực tuyến nổi tiếng. Những trang này trông không khác gì trang thông tin của chính dịch vụ đó, nhưng nội dung chủ yếu lại là rao bán các tài khoản giá rẻ. Thậm chí, các gói dịch vụ xem phim, nghe nhạc Netflix hay Spotify... còn được rao bán rất nhiều trên một số trang thương mại điện tử.
Quang Dũng, một người làm trong lĩnh vực cung cấp nội dung trực tuyến ở Hà Nội, cho rằng, các tài khoản xem phim, nghe nhạc giá rẻ của Netflix hay Spotify như trên có thể coi là tài khoản lậu. Người tạo sử dụng thông tin đăng ký nặc danh, lợi dụng kẽ hở trong chính sách sử dụng để trục lợi cá nhân.
Ví dụ, Netflix cho phép người dùng ở Việt Nam xem thử miễn phí một tháng với bất kỳ gói dịch vụ nào. Vì thế, nhiều người đã tạo ra hàng loạt tài khoản rồi rao bán lại. Với một tài khoản dùng thử miễn phí lựa chọn gói dịch vụ Premium chất lượng 4K, họ chia ra 5 gói dịch vụ và bán lại cho ít nhất 5 người khác nữa.
Phiền phức khi sử dụng tài khoản giá rẻ
Đăng ký gói xem 4K ba tháng với số tiền 180.000 đồng, nhưng chỉ sau một tuần, Xuân Quý đã phải liên hệ lại với người bán do mật khẩu truy cập bị người dùng khác thay đổi. Ngoài ra, hết tháng đầu, tài khoản đang sử dụng bị khoá và phải đợi người bán chuyển sang tài khoản khác. Vì thế, toàn bộ danh sách phim yêu thích lưu trữ biến mất và các bộ phim dài tập xem dở dang trở về từ đầu.
"Đến lúc này, mình mới biết thuê bao 3, 6 hay 12 tháng thì cũng đều là các tài khoản dùng thử miễn phí. Vì thế, hàng tháng lại phải đổi sang tài khoản mới", Quý chia sẻ. Chưa kể, được một thời gian, trang fanpage và nick Facebook bán dịch vụ cũng đột ngột biến mất, không thể liên lạc được.
Theo anh Quang Dũng, mỗi tài khoản dùng thử của Netflix khi đăng ký đều yêu cầu một địa chỉ e-mail và số thẻ thanh toán quốc tế mới. Thẻ thanh toán quốc tế thường là các thẻ ảo hoặc là thẻ Visa, Master "chùa". Trong khi đó, phí sử dụng đều phải được thanh toán trước, chuyển khoản hoặc thông qua các ví điện tử nên khi bị hủy dịch vụ đột ngột, hoặc dịch vụ trục trặc, người mua cũng không được bồi thường lại chi phí.
Bên cạnh đó, việc sử dụng chung thông tin đăng nhập, địa chỉ e-mail với nhiều người dùng không xác định rõ danh tính còn tiềm ẩn nguy cơ bị rò rỉ thông tin, dữ liệu cá nhân. Đặc biệt với người không hiểu biết rõ về công nghệ, Internet.
Trong trường hợp dùng chung hay chia sẻ tài khoản Netflix, Spotify, người dùng chỉ nên lựa chọn người quen, gần gũi, sử dụng địa chỉ e-mail phụ và mật khẩu không trùng với các tài khoản chính của mình khi đăng ký. Bên cạnh đó, cũng lưu ý và kiểm soát thông tin thẻ thanh toán trong phần cài đặt của các dịch vụ, tránh bị lộ.
Hiện tại, các nhà cung cấp dịch vụ xem phim hay nghe nhạc trực tuyến tại Việt Nam vẫn chưa đưa ra cảnh báo về tình trạng tài khoản ảo được rao bán tràn làn với giá rẻ. Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng 2, Netflix đã dừng chính sách tài khoản dùng thử miễn phí của mình ở thị trường Việt Nam. Spotify cũng thông báo dừng chính sách miễn phí ba tháng đầu từ ngày 17/2.