Khu nội đô Sài Gòn đang trở thành đại công trường với những tòa tháp cao tầng mọc lên như nấm, kèm theo các thiết bị xây dựng cũng lơ lửng trên không trung.
Khảo sát của VnExpress, từ các tuyến phố lớn quận 1 gồm: Hàm Nghi, Nguyễn Huệ, Lê Duẩn, Nguyễn Thái Học, Trần Hưng Đạo đến những con đường xa khu trung tâm như: 3 Tháng 2, Cách Mạng Tháng Tám, Lê Đại Hành... đều đang dùng cẩu, thang máy để nâng đất đá nặng hàng trăm tấn lên cao. Thậm chí, các công trình lan cả đến những vùng ngoại ô thành phố như: khu Nam Sài Gòn, quận 9, 12, Thủ Đức, huyện Nhà Bè...
Mật độ xây dựng dày đặc nhưng không có cơ quan nào thực sự quản lý cách sử dụng và điều khiển thiết bị của những công trường này.
Sở Xây dựng kiểm tra giấy phép và thủ tục pháp lý của công trình. Sở Lao động thương binh xã hội chỉ kiểm tra hồ sơ kiểm định các thiết bị và bằng cấp của người điều khiển. Thanh tra hai sở này hoạt động hai khía cạnh khác nhau của công trường nhưng không sở ngành nào trực tiếp chịu trách nhiệm nếu chẳng may xảy ra sự cố do thiết bị gây ra.
![]() |
Một công trình có đến 3 cần cẩu quay tán loạn. Ảnh: Vũ Lê. |
Điều đáng chú ý là, hầu hết những sai phạm nghiêm trọng dẫn đến tai nạn lao động không được cảnh báo trước, mà chỉ ứng phó khi chuyện đã rồi.
Chiều 16/4, 3 sở ngành liên quan gồm: Xây dựng, Lao động thương binh xã hội và Giao thông công chính đã cùng đề xuất UBND TP HCM ban hành một quy định tạm thời về an toàn khi sử dụng thiết bị xây dựng.
Phó chánh thanh tra Sở Lao động thương binh xã hội Nguyễn Quốc Việt cho hay, các thiết bị xây dựng nhà cao tầng như thang, cần cẩu đều phải được kiểm tra và đăng ký thiết bị tại 6 trung tâm kiểm định của thành phố.
Theo đó, khi xảy ra sự cố, đoàn kiểm tra phát hiện nguyên nhân là do sai sót trong sử dụng thiết bị xây dựng, tùy mức độ nghiêm trọng của vụ việc mà Thanh tra lao động sẽ phạt hành chính hay đề nghị khởi tố.
![]() |
Công trình cao tầng có cần cẩu lơ lửng trên đầu người dân. Ảnh: Vũ Lê. |
Một trong những yếu tố hàng đầu để đảm bảo an toàn, theo ông Việt, là thiết bị phải được kiểm định và người sử dụng phải có chứng chỉ hành nghề, đầy đủ bằng cấp và ý thức cao về độ an toàn cho cộng đồng.
Song ông Việt cũng thừa nhận rằng, những quy định nghiêm ngặt về việc sử dụng thiết bị trên công trường vẫn còn nhiều kẽ hở và khó mà kiểm tra xuể. Vì thế, ông kiến nghị Sở Giao thông công chính hỗ trợ ngăn đường khi công trình sử dụng các thiết bị này để đảm bảo an toàn khi thi công.
Tuy nhiên, đại diện Sở Giao thông công chính lại cho rằng, mỗi công trình đều có tiến độ riêng, với mật độ xây dựng dày đặc của Sài Gòn, ngăn đường phải tính đến rất nhiều yếu tố, đặc biệt là tránh gây thêm ùn tắc giao thông cho khu nội thị.
Phó giám đốc Sở Xây dựng TP HCM Nguyễn Văn Hiệp cho biết: "Bộ Xây dựng và cả Bộ Lao động thương binh xã hội đều chưa quy định rõ trách nhiệm quản lý vấn đề này, nên UBND TP HCM cần phải có quyết định tạm thời để cảnh báo trước".
Theo ông Hiệp, các tuyến đường nội đô nằm trong lòng Sài Gòn đều có mật độ lưu thông lớn. Những cần cẩu tuy hoạt động trên không nhưng mang theo sắt thép và đá tảng nặng hàng trăm tấn, nên buộc phải cảnh giác cao độ để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.
Lãnh đạo Sở Xây dựng còn cho rằng, phạt hành chính chỉ mang tính hình thức, không có tính răn đe. Do đó, ông nhấn mạnh trong tương lai sẽ tiến đến khuyến khích mua bảo hiểm an toàn xây dựng. "Nếu xã hội hóa được vấn đề này để nâng cao ý thức trách nhiệm cộng đồng thì mọi người đều có lợi", ông Hiệp nói.
Vũ Lê