Khi gặp nạn, Điêu Ái Thanh chưa tròn 20 tuổi, sống ở ký túc xá. Cô là sinh viên năm thứ nhất chuyên ngành ứng dụng máy tính và quản lý thông tin của Đại học Nam Kinh (tỉnh Giang Tô).
Ngày 10/1/1996, bạn học cùng ký túc xá sử dụng đồ điện trái quy định khiến trưởng ký túc là Ái Thanh cũng bị phạt cùng. Tâm trạng không tốt, tối cùng ngày, Ái Thanh ra ngoài đi dạo nhưng mãi không thấy quay về. Cô được nhìn thấy lần cuối cùng ở đường Thanh Đảo gần trường học, mặc áo khoác màu đỏ.
Theo cảnh sát, việc trước khi đi, Ái Thanh trải chăn phẳng phiu, cho thấy không có ý định ra ngoài cả đêm.
Sáng sớm 19/1/1996, 9 ngày sau khi Ái Thanh mất tích, cảnh sát tìm thấy nhiều phần thi thể nữ sinh ở đường Hoa Kiều, đường Thủy Tá Cương và núi Long Vương. Tất cả được bọc trong túi xách và một chiếc ga trải giường.
Cảnh sát nhận định hung thủ là kẻ có tố chất tâm lý mạnh mẽ và vô cùng tàn nhẫn.
Ái Thanh từ vùng nông thôn lên thành phố Nam Kinh nhập học khoảng 100 ngày, cũng không có bao nhiêu tiền bạc. Nạn nhân không có gì đặc biệt, sống hướng nội với mối quan hệ hẹp, không mâu thuẫn với ai khiến cảnh sát không tìm ra được nghi phạm.
Vụ án gây chấn động Trung Quốc. Nhà chức trách điều động lực lượng quy mô lớn tham gia phá án, thành lập tổ chuyên án túc trực ở Đại học Nam Kinh, gõ cửa từng nhà dân quanh trường để xét hỏi. Nhưng sau ba tháng điều tra, vụ án chưa có thêm thông tin mới.
12 năm sau, ngày 1/7/2008, một cảnh sát từng tham gia điều tra chia sẻ những ký ức đến giờ vẫn thấy rùng mình. Ông cho hay thủ pháp phân xác của hung thủ khá chuyên nghiệp, chứng tỏ có hiểu biết nhất định về kiến thức giải phẫu. Thời đó, chưa có kỹ thuật ADN, cơ quan pháp y chỉ có thể xác định nạn nhân là nữ qua đặc trưng về ngoại hình, cấu trúc sợi cơ...
Hung thủ phi tang ở 5-6 nơi, chủ yếu là khu thành thị đông đúc. Bất cứ ai từng xuất hiện tại các địa điểm này, ví dụ chỉ cần từng đi đổ rác đều bị lấy lời khai. Ai cũng có thể là kẻ tình nghi. Cảnh sát rà kỹ rất nhiều người song không phát hiện ra điều khả nghi.
Căn cứ địa điểm vứt xác và kết quả điều tra, cảnh sát suy đoán hung thủ ở ngay gần khuôn viên Đại học Nam Kinh, sử dụng xe đạp đi vứt xác. Kẻ này có thể là bác sĩ hoặc làm công việc liên quan nghề đồ tể. Nhưng điều tra theo hướng này không có kết quả. Thậm chí, cảnh sát không thể xác định được đâu là hiện trường đầu tiên.
Đến nay, vụ án được ký hiệu "1.19" này vẫn chưa có lời giải. Ngày 20/1/2016, Cục Điều tra hình sự khẳng định: "Vụ án sẽ được điều tra đến cùng, tuyệt đối không từ bỏ".
25 năm qua, không chỉ gây chú ý trên báo và các diễn đàn mạng, vụ án "1.19" còn được nhiều nhà văn đưa vào tiểu thuyết như: Vật kỷ niệm của Vương Đại Tiến (1998), Mười tội ác của Tri Thù (2010), Huyết sắc thiên đô của Trần Cửu Ca (2010), Bản thông báo tử vong của Chu Hạo Huy (2014).
Tuệ Anh (Theo Baike, Huanqiu)